Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear

"Trên đường đến vùng biên giới Preah Vihear, ông Dũng nhớ lại, trước khi bước chân vào khu rừng bi thảm này, chưa bao giờ ông nhìn thấy nhiều người chết như thế..."
Cựu phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng kể về những dấu ấn không quên trong chuyến công tác đặc biệt ở Campuchia.

“Đã gần 40 năm trôi qua kể từ chuyến đi công tác Campuchia năm 1979, nhưng giờ đây mỗi khi nhớ lại những ngày tháng sống và làm việc trên đất bạn, trong tôi vẫn đầy ắp những cảm xúc, những hình ảnh về những nơi đã qua những con người đã gặp.

Đây cũng là chuyến công tác đầu tiên của tôi ở Báo ảnh Việt Nam sau khi vừa rời ghế trường Đại học ở Liên Xô về. Vì vậy, nghịch cảnh giữa một đất nước văn minh mà tôi vừa rời khỏi và quang cảnh diệt chủng tàn bạo mà tôi được chứng kiến càng thêm đậm nét.”

Đó là những dấu ấn không thể nào quên về những năm tháng “nếm mật nằm gai” nơi đất bạn của nhà báo Phạm Tiến Dũng, nguyên Phó tổng biên tập Phụ trách Báo ảnh Việt Nam, Trưởng ban Biên tập Ảnh Thông tấn xã Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, ông về làm việc ở Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh.

“Thành phố ma”

Với niềm say mê, nhiệt huyết với công việc và không ngại khó khăn gian khổ, cựu phóng viên Phạm Tiến Dũng cho hay, thời điểm ông tốt nghiệp Đại học xong là năm 1977, sau đó ông ở lại làm việc cho Báo ảnh Liên Xô một năm. Đến tháng 12/1978, ông trở về nước và được nhận vào làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam.

Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear ảnh 1Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng trước nhà Ga Phnom Penh năm 1979. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Không lâu sau đó, ông Dũng cho biết, vào tháng 1/1979,  đồng chí Đỗ Phượng, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam gặp ông và thông báo: “Cậu chuẩn bị đi công tác, cậu có đi được lâu không? Lúc đấy, dù chưa biết là đi đâu, làm những gì nhưng tôi vẫn dõng dạc trả lời: ‘Vâng, cháu đi được ạ!’”

“Sau đó, đồng chí Đỗ Phượng nói rằng, chuyến đi này có thể đi rất lâu, địa bàn cũng rất phức tạp, cậu làm được không? Tôi trả lời: ‘Cháu không vấn đề gì.’ Lúc đó tôi chỉ nghĩ, việc cơ quan cử đi là đi và không hề băn khoăn gì cả,” cựu phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng kể lại.

Nhận nhiệm vụ xong ông mới hỏi và được biết ông cùng một số phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam được cử sang Campuchia để công tác và ông cũng chỉ có đúng một buổi tối để chuẩn bị lên đường tham gia chuyến công tác đặc biệt này.

“Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời không cần hộ chiếu mà cũng chẳng cần tiền. Hành trang chỉ có vài ba bộ quần áo lính, túi máy ảnh và khẩu súng AK,” ông Dũng cho hay.

Ấn tượng đầu tiên, đập vào ánh mắt của chàng phóng viên trẻ thuở ấy là quang cảnh thành phố Phnom Penh nhìn từ trên máy bay xuống thật xinh đẹp và hiền hòa với những ngôi biệt thự nhỏ nhắn, mái ngói đỏ tươi nằm ép dưới tán những rặng dừa, thốt nốt xanh mướt. Nhưng khi đi vào thành phố có cảm giác đây là “thành phố ma,” không có cửa hàng, cửa hiệu, không người, không sự sống.

Ông kể, khi đi vào thành phố không một bóng người, đâu đó là những ngôi nhà đổ nát, mọi thứ hoang tàn. Ngay trước cửa trường Đại học Y, ai đó nghịch ngợm đem bộ xương người dùng để dạy học đặt ngay trước cửa, khiến thành phố càng thêm vẻ ma quái. Thỉnh thoảng đâu đó vẫn vang lên tiếng súng. Ban đêm càng im lặng đến rợn người.

Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear ảnh 2Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng đã làm việc tại Campuchia 1 năm và ông có dịp đi khắp các vùng miền của đất nước này. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Hàng đêm khi vác súng đi tuần tra quanh trụ sở cơ quan chỉ thấy những con chuột cống to như những con mèo lao vút qua. Ở đây, bước vào mỗi căn nhà, có cảm giác cuộc sống như chỉ mới ngưng lại do phép ma thuật nào đó, bữa cơm đang ăn dở, đồ chơi lăn lóc trên sàn, vài ba cuốn tiểu thuyết rơi vãi đó đây. Tờ lịch trên tường cho ta thấy cuộc sống ở đây đã ngưng lại ngày 17/4/1975. Những chủ nhân của những căn nhà này, thành phố này giờ ở đâu? Còn sống hay đã chết? Vì đâu nên nỗi?,” cựu phóng viên ảnh trầm ngâm.

“Dấu ấn rùng mình về ngôi đền cổ”

Trò chuyện cùng chúng tôi về những tháng ngày lửa đạn khốc liệt cách đây ngót 40 năm, cựu phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam vẫn bồi hồi xúc động. Những hình ảnh in hằn trong tâm trí ông không phải là một thành phố cổ kính với những nét kiến trúc độc đáo mà ông thực sự ám ảnh bởi một “thành phố ma,” nơi còn lưu giữ đầy rẫy những bằng chứng tố cáo tội ác của chế độ Khmer Đỏ.

[Hồi ức về đám cưới kỳ lạ trên cánh đồng chết ở Campuchia]

Ông cũng cho biết, ông thật sự kinh hoàng khi xem thùng ảnh tư liệu lấy được ở Nhà tù Tuol Sleng mà ai yếu bóng vía hẳn không đủ can đảm để xem những bức ảnh đó. Đó là ảnh những người bị bọn Pol Pot giết bằng các cách rất dã man: cắt cổ, chặt đầu, mổ bụng, treo cổ.

“Chẳng hiểu bọn đao phủ chụp những bức ảnh này để làm gì. Để trình cấp trên thành tích của chúng? Để làm chứng nạn nhân đã bị giết thật hay để giải trí? Có trời mới biết lũ quái nhân này nghĩ gì?” ông Dũng rùng mình nói.

Ông Dũng cũng cho biết, khu đền Angkor, một kỳ quan của Campuchia, đỉnh cao của nền văn hóa Khmer. Ai đến đây cũng phải kính nể bàn tay tài hoa của người Campuchia đã xây nên tòa lâu đài bằng đá kỳ vĩ này. Thế nhưng ngay cạnh di tích văn hóa nổi tiếng này lại là bãi xương người trắng xóa, những chiếc đầu lăn lóc, đa số bị đập vỡ, xương chân, xương tay rải rác khắp nơi.

Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear ảnh 3Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng tại đền Preah Vihear năm 1979. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Ở Siem Reap có bể nuôi cá sấu. Đứng nhìn những con cá sấu sần sùi gớm ghiếc bò lúc nhúc ở dưới, tôi rùng mình khi nghĩ tới những đứa trẻ đã từng bị ném xuống đây làm thức ăn cho chúng,” nhắm nghiền mắt ông Dũng thở dài nhớ lại.

“Hồ 2000”

Trong một năm công tác ở đất nước bạn, ông cho biết, ông đã có dịp đi hầu hết các tỉnh của Campuchia, nhưng chuyến đi gây ấn tượng mạnh mẽ nhất có lẽ là chuyến đi vùng biên giới Preah Vihear.

“Hôm đó, nhận được tin hàng trăm người dân Campuchia bị lính Thái Lan dồn từ bên kia biên giới sang rơi vào bãi mìn dày đặc ở biên giới Preah Vihear, sau đó còn xả súng bắn vào họ. Rất nhiều người chết và bị thương. Vậy là tôi cùng các đồng nghiệp lên đường,” ông Dũng nói.

[Nhà báo Huy Thịnh: “Những năm tháng can trường giúp bạn Campuchia”]

Ông kể, trước khi lên Preah Vihear đoàn ông dừng lại ở một đơn vị quân đội để lấy xăng bay tiếp. Chiều hôm đó, lúc rỗi rãi mấy anh nhà báo "máu" phiêu lưu đã làm một chuyến dại dột là đi vào rừng để tìm một cái hồ, được gọi là “hồ 2000” vì đã có khoảng 2000 người bị chết và ném xác xuống cái hồ đó.

“Tay không vũ khí chúng tôi đi sâu vào trong rừng. Dọc đường thấy một số xà lim rất hẹp, người bị giam chỉ có thể đứng hay ngồi chứ không thể nằm được. Rất nhiều xương người rải rác, hình như toàn xương trẻ con, khá nhiều quần áo, giày dép trẻ em vương vãi trong các đám cỏ. Nghe nói có một toán trẻ bị lừa là đưa đi học, rồi bị giết ở đây,” ông Dũng cho hay.

Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear ảnh 4Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng cùng các chiến sỹ đi tuần bảo vệ Phnom Penh năm 1979. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chưa kịp định thần trước những hình ảnh bắt gặp, cựu phóng viên ảnh nói, lúc đang đi chợt nghe tiếng người lao xao rồi chợt im phắc, có tiếng lên đạn rôm rốp. ông thầm nghĩ: “Thôi rồi, vũ khí thì không có rơi vào tay Khmer Đỏ thì hết đời.”

Vừa cười ông vừa kể, sau đó, có tiếng quát: “Ai, đứng lại?” Thở phào: “Chúng tôi là nhà báo đây!” lúc đó mới thấy mấy anh lính Việt Nam ló ra. Hú vía, trò chuyện một lúc chúng tôi quay trở về không dám đi tiếp nữa sợ đến được cái hồ thì hồ sẽ bị đổi thành tên là “hồ 2003.”

Kề cận với tử thần

Lắng nghe những câu chuyện của cựu phóng viên ảnh, mọi cảnh tượng về một chế độ diệt chủng tàn khốc như được tái hiện đậm nét trong chúng tôi. Cảnh chết chóc, cảnh hoang tàn và cả những phút giây kề cận với tử thần. Những dòng ký ức cứ dồn dập ùa về.

Trên đường đến vùng biên giới Preah Vihear, ông Dũng nhớ lại, trước khi bước chân vào khu rừng bi thảm này, chưa bao giờ ông nhìn thấy nhiều người chết như thế và cũng chưa bao giờ ông cảm thấy kề cận với cái chết như thế.

“Gần như trên mỗi mét vuông của khu rừng này đều có mìn. Chỉ đi lệch một bước là tan xác. Các chiến sỹ bảo vệ luôn nhắc nhở chúng tôi phải đi theo dấu chân họ, thế nhưng với anh chụp ảnh lúc mải tác nghiệp đâu có để ý mìn dưới chân. Một lần nếu không có người nhanh tay kéo lại thì tôi đã về với tổ tiên rồi. Lúc tôi nhìn chỗ tôi suýt dẫm lên thì ra đó là một quả mìn được đánh dấu bằng một cái que buộc một mảnh vải trắng nhỏ,” ông Dũng hồi tưởng.

Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear ảnh 5Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng luôn cười tươi và lạc quan trong mọi hoàn cảnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Không dấu nổi cảm xúc, ông vừa kể vừa thốt lên, nơi đây đúng là địa ngục trần gian, nồng nặc mùi tử khí. Chỗ này một người cha đang ngồi khóc bên xác con, nơi kia vài đứa trẻ mất cha mẹ đang kêu khóc. Một bãi xác người ngổn ngang đang trương phình dưới cái nắng nhiệt đới. Thật khủng khiếp.

[Di vật hiếm hoi về ngày tàn của đài phát thanh chế độ Pol Pot]

Ông bùi ngùi nghĩ lại, may mắn cho những người dân Campuchia là bộ đội Việt Nam đã lần lượt đưa họ ra khỏi nơi tử địa này, cấp phát thuốc men, thực phẩm cho họ. Nhiều chiến sĩ Việt Nam cũng đã hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả đó. Nếu không có quân đội Việt Nam vào giải phóng cho họ thì chắc chẳng có ai trở về và chẳng có đất nước Campuchia đang hồi sinh như bây giờ.

Một đất nước hồi sinh

Nhà báo Phạm Tiến Dũng cho chúng tôi xem bức ảnh rất đẹp của một vũ nữ hoàng cung Camppuchia và kể lại một kỷ niệm đẹp về bức ảnh này. Người vũ nữ này là một trong những nạn nhân còn sống sót sau nạn diệt chủng tàn khốc.

Chiến tranh, nạn diệt chủng, những năm tháng làm việc cực nhọc tại các công xã đã khiến một vũ nữ hoàng cung xinh đẹp trở nên đen đúa, khắc khổ khác hẳn với hình ảnh một vũ nữ tuyệt đẹp trong điệu múa Khmer truyền thống như trong bức ảnh mà chị mới đào lên khi chôn giấu trong 4 năm chế độ Pol Pot Khmer Đỏ.

Ông Dũng cho biết, ông gặp chị ở nhà tù Tuol Sleng, nghe chị kể lại câu chuyện, ông đã chụp lại cho người vũ nữ hoàng cung bức ảnh đó rồi phóng to, sau đó nhờ bác Trần Phúc, một chuyên gia tu sửa ảnh của Báo ảnh Việt Nam tô màu, cho vào khung và tặng lại chị. Chị rất cảm động.  

“Tặng lại bức ảnh, tôi chỉ mong chị hiểu tấm lòng của những người bạn Việt Nam muốn chị lại được sống những ngày huy hoàng như ngày xưa, để chúng tôi có dịp thưởng thức những điệu múa truyền thống của dân tộc chị,” ông Dũng nhắc lại.

Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear ảnh 6Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng và phóng viên Phạm Mị của Thông tấn xã Việt Nam công tác tại Campuchia năm 1979. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khép lại những dòng hồi tưởng, cựu phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng cho biết, ông vừa có dịp quay lại Campuchia sau gần 40 năm, ông vẫn nhớ như in những nơi mình từng đến, từng chứng kiến, từng “nếm mật nằm gai.” Những dấu ấn ban đầu về “thành phố ma,” “hồ 2000”…vẫn còn đó, thế nhưng trước mắt ông là một đất nước Campuchia đang thay da đổi thịt và tràn trề sức sống.

“Có sống ở Campuchia những ngày đạn lửa đó mới thấy quý biết bao mỗi tín hiệu hồi sinh của một đất nước đã từng trải qua thảm họa diệt chủng khủng khiếp. Sau gần 40 năm quay lại, tôi thấy Campuchia đã thay đổi, Thủ đô Phom Penh hiện nay rất phát triển về du lịch và khá hiện đại. Ngay trung tâm Thủ đô Phnom Pênh có một Tượng đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia rất bề thế,” ông Dũng xúc động nói.

Ông cũng cho biết, mới đây nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Campuchia, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen vẫn luôn nhắc lại, tri ân Việt Nam đã cứu đất nước Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Bởi không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì không có đất nước Campuchia hồi sinh mạnh mẽ như ngày nay.

“Với mỗi người làm báo, được đến những nơi có sự kiện là một hạnh phúc, được đưa tin, được ghi lại những hình ảnh về sự kiện đó là một niềm tự hào vô cùng to lớn. Và tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đã được đến, được chứng kiến và ghi lại những hình ảnh, truyền tải thông tin để thế giới thấy được tội ác diệt chủng của bè lũ Pol Pot và may mắn được quay trở lại để chứng kiến một đất nước Campuchia mới đang hồi sinh, phát triển,” cựu phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng tự hào nói./.

Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear ảnh 7Cựu nhà báo Phạm Tiến Dũng lưu giữ những hình ảnh và tờ lịch ngày đất nước Campuchia rơi vào thảm họa diệt chủng tàn khốc. (Ảnh: Doãn Đức/Vietanm+)
Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear ảnh 8Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng kể lại hành trang của chuyến công tác tại Campuchia chỉ có vài ba bộ quần áo lính, túi máy ảnh và khẩu súng. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear ảnh 9Ảnh chụp phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng và phóng viên Lê Sơn cùng phóng viên Suka của Campuchia trong chuyến công tác đến Đền Preah Vihear. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear ảnh 10Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng tác nghiệp tại phiên tòa Quốc tế xét xử Khmer Đỏ tội diệt chủng năm 1979. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục