Mỹ, Anh và Hà Lan hạn chế tài trợ các dự án nhiệt điện

Mỹ, Anh và Hà Lan kêu gọi các nước thành viên OECD tuân thủ quy định về lượng khí thải của các nhà máy nhiệt điện tương đương mức mà Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đưa ra.
Mỹ, Anh và Hà Lan hạn chế tài trợ các dự án nhiệt điện ảnh 1Khói thải từ nhà máy nhiệt điện ở thủ đô Sofia, Bulgaria ngày 14/2/2013. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá nếu được xây mới cần phải đáp ứng tiêu chuẩn về lượng khí thải carbon để có thể nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ các nước phát triển trên thế giới.

Đây là một trong những nội dung chính tại hội nghị của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), khai mạc ngày 16/6 tại thủ đô Washington của Mỹ.

Trong khuôn khổ hội nghị kéo dài một tuần này, các nước Mỹ, Anh và Hà Lan công bố một kế hoạch hành động chung, trong đó kêu gọi các nước thành viên OECD tuân thủ quy định về lượng khí thải của các nhà máy nhiệt điện tương đương mức mà Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đưa ra hồi tháng Chín năm ngoái.

Với các nhà máy điện chạy bằng khí đốt cỡ lớn trong tương lai, mỗi turbin chỉ được phép thải ra không quá 450kg khí CO2/ MWh, trong khi lượng khí thải cho phép của mỗi turbin tại các nhà máy điện cỡ nhỏ là 500kg khí CO2/ MWh.

Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh các nước đang đẩy mạnh chính sách tín dụng xuất khẩu để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Ông David Drysdale, trưởng bộ phận tín dụng xuất khẩu thuộc OECD, cho biết theo kế hoạch của Mỹ, Anh và Hà Lan, vào tháng 11 tới, các nước thành viên sẽ thảo luận mục tiêu và mức cắt giảm khí thải trung bình.

Trong khi đó, hàng loạt vấn đề cụ thể khác sẽ được xem xét như các công nghệ được phép áp dụng tại các nhà máy nhiệt điện cũng như hạn chế tín dụng xuất khẩu cho các dự án liên quan tới sử dụng than đá.

Đây là bước đi mới nhất của các tổ chức tài chính quốc tế và các nước nhằm giảm lượng khí thải độc hại - được cho là thủ phạm chính của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các cơ quan tín dụng xuất khẩu của các nước thành viên OECD hiện hỗ trợ tài chính tới 60% (tương đương 32 tỷ USD) cho các dự án xây dựng nhà máy điện sử dụng than đá ở nước ngoài trong giai đoạn 2007-2013. Gần 50% nguồn vốn hỗ trợ này là từ cơ quan tín dụng xuất khẩu Nhật Bản.

Trước đó, hồi đầu tháng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng công bố một kế hoạch nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, theo đó cắt giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong 15 năm tới.

Ngoài ra, Mỹ cũng quyết định hạn chế đầu tư cho các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá ở nước ngoài, đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế và các nước cho vay hạn ngạch khí thải carbon sớm thực hiện các bước đi tương tự.

Một số thể chế đa phương lớn trên thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu hiện đã cam kết không hỗ trợ tài chính cho các nhà máy điện khí đốt.

Than đá hiện đóng góp tới 42% sản lượng điện của Mỹ nhưng cũng là nguồn thải ra lượng khí CO2 lớn nhất tại các nhà máy điện, chiếm tới 83%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục