Nỗ lực xây dựng ngành quân y ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ

70 năm qua, ngành quân y đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân.
Nỗ lực xây dựng ngành quân y ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ ảnh 1Các y, bác sỹ quân đội tham khám bệnh cho bà con nhân dân xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Vũ Viết Dương/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành quân y (16/4/1946-16/4/2016), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Thiếu tướng, tiến sỹ Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục quân y, Bộ Quốc phòng với nhan đề “Xây dựng ngành quân y ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ."

Cùng với sự trưởng thành của quân đội ta, 70 năm qua, ngành quân y đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, lập nhiều thành tích vẻ vang, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền y học nước nhà và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lực lượng quân y đã thường xuyên bám sát bộ đội, luôn có mặt ở những nơi ác liệt, gian khổ nhất, kịp thời cấp cứu, điều trị cho hàng triệu lượt thương binh, bệnh binh và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong, tàn phế, duy trì sức mạnh chiến đấu của quân đội. Sau ngày đất nước thống nhất, ngành quân y đã đi đầu trong khắc phục hậu quả chiến tranh. quân y các cấp đã tự lực giải quyết cơ bản các loại di chứng vết thương cho thương binh, bệnh binh; đồng thời, nhanh chóng chuyển hướng nhiệm vụ, tập trung nâng cao chất lượng công tác, bảo đảm quân y cho toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác.

Trước yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong tình hình mới, những năm gần đây, ngành đã tham mưu cho cấp trên và trực tiếp triển khai thực hiện nhiều nội dung, biện pháp đột phá về xây dựng nguồn nhân lực, đổi mới hoạt động chuyên môn, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật mới, hiện đại trong khám, chữa bệnh.

Nhờ đó, năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh của các tuyến quân y được nâng cao, tạo sự phát triển nhảy vọt về chất trong thu dung, cấp cứu, điều trị.

Các bệnh viện quân y tuyến chiến lược có bước phát triển toàn diện, đạt trình độ hiện đại, với nhiều chuyên khoa sâu, kỹ thuật mũi nhọn ngang tầm các nước có nền y học tiên tiến trong khu vực và quốc tế, tiêu biểu như: kỹ thuật ghép tạng, can thiệp tim mạch, chấn thương chỉnh hình, vi phẫu nối chi thể, siêu lọc máu, nuôi cấy tế bào sừng ghép da. quân y các cấp thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch; coi trọng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội ở tuyến đơn vị, quản lý chặt chẽ sức khỏe bộ đội ngay từ đầu vào. Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, chữa bệnh được chú trọng thực hiện và có bước tiến rõ nét.

Với sự nỗ lực của quân y các cấp, nhiều năm qua, toàn quân không có bệnh dịch lớn xảy ra; quân số khỏe luôn duy trì vững chắc trên 98,5%; tỷ lệ mắc một số bệnh thường gặp trong quân đội giảm rõ rệt và thấp dưới mức quy định, nhiều bệnh nguy hiểm đã được khống chế.

Gắn liền với thực hiện công tác y tế quân đội, ngành quân y luôn phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng về kết hợp quân-dân y, đưa hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành nét đặc thù độc đáo trong hoạt động của ngành.

Thời gian qua, ngành đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào xây dựng, củng cố mạng lưới y tế cơ sở, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân, tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.

Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, ngành quân y đã tham gia củng cố, nâng cao năng lực hoạt động cho 1.098 trạm y tế xã (có 697 xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo); đào tạo hơn 8.000 nhân viên y tế thôn, bản, trên 20.000 y tá, dược tá, dược sỹ và gần 3.000 bác sỹ cho ngành y tế.

Ngành đề xuất xây dựng và chỉ đạo đưa vào hoạt động 3 trung tâm y tế quân-dân y huyện đảo, hơn 50 bệnh viện, bệnh xá, phòng khám đa khoa, phòng khám khu vực và gần 130 trạm y tế quân-dân y. Hằng năm, lực lượng quân y các cấp tổ chức hàng nghìn lượt tổ, đội công tác đi đến những nơi vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng triệu lượt người dân, kết hợp tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường và thực hiện công tác dân vận.

Những việc làm và kết quả mà ngành đạt được trong thực hiện kết hợp quân-dân y đã khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng quân y trong sự nghiệp y tế nước nhà.

Kết quả đó có giá trị và ý nghĩa hết sức to lớn về cả chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh; không chỉ góp phần tích cực vào giải quyết những vấn đề bức xúc về công tác y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn trọng điểm về quốc phòng-an ninh, mà còn góp phần quan trọng vào củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng cơ sở chính trị, “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó quân dân, tạo cơ sở để quân đội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng, trưởng thành và những thành tích vẻ vang đã đạt được, đi liền với vinh dự, tự hào, ngành quân y nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề của mình trước nhiệm vụ cao quý mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó. Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những mục tiêu, yêu cầu cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.

Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, ngành quân y đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến bất thường của tình hình dịch bệnh, thời tiết, ô nhiễm môi trường; tính chất phức tạp của bảo đảm quân y trong điều kiện tác chiến mới, cũng như việc giữ gìn y đức, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, trong cơ chế thị trường, xu thế hội nhập quốc tế...

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, ngành quân y phải đồng thời triển khai thực hiện nhiều nội dung, giải pháp; trong đó, xây dựng ngành vững mạnh toàn diện được xác định là nội dung then chốt, có ý nghĩa quyết định, vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài. Với nhận thức đó, ngành kiên định mục tiêu xây dựng quân y các cấp theo hướng “tập trung, thống nhất; mạnh về tổ chức và khả năng cơ động; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; vững về chính trị và y đức.”

Thực hiện chủ trương trên, Cục quân y tiếp tục tham mưu cho Bộ Quốc phòng và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng quân y trong toàn quân, phù hợp với quy hoạch tổ chức lực lượng và nhiệm vụ của từng cấp.

Trước hết, tập trung hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các cơ sở, đơn vị quân y trên từng vùng, miền, hướng chiến lược; đầu tư nâng cao năng lực của các phân đội quân y cơ động, quân y tuyến cơ sở, nhất là đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới và các lực lượng mới thành lập. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt, mất cân đối về cơ cấu thầy thuốc quân y ở các tuyến, trước mắt, ngành duy trì thực hiện luân chuyển cán bộ, nhân viên quân y đến công tác tại các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo.

Mặt khác, đẩy mạnh đột phá về huấn luyện, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đảm bảo cân đối, đồng bộ về y, dược và trang thiết bị y tế; trong đó, chú trọng đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành y học quân sự, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, chuyên viên kỹ thuật giỏi, đào tạo bác sĩ cho các đồn biên phòng biên giới bộ.

Cục quân y phối hợp với các đơn vị rà soát, tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y, đảm bảo cho họ thực sự “sáng về y đức, giỏi về y thuật.”

Bên cạnh đó, Cục tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp trên có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, thầy thuốc quân y, nhằm thu hút, giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực, chống “chảy máu chất xám,” đảm bảo cho ngành phát triển bền vững...

Để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, ngành tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến đơn vị và công tác vệ sinh, phòng dịch. Cục quân y chỉ đạo triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống y học dự phòng trong toàn quân theo hướng đồng bộ, thống nhất, nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng giám sát, phát hiện sớm, khống chế dịch bệnh, không để dịch lây lan, phát triển vào quân đội.

Mục tiêu đặt ra là xây dựng Viện Y học dự phòng Quân đội và Trung tâm Y học dự phòng Quân đội phía Nam đạt chuẩn quốc gia; các đơn vị còn lại đạt chuẩn tương đương theo xếp hạng cơ sở y học dự phòng của Bộ Y tế.

Cùng với đó, ngành tiếp tục xây dựng, củng cố toàn diện hệ thống y học cổ truyền các cấp (trọng điểm là Viện Y học cổ truyền Quân đội) theo phương châm “phổ cập ở tuyến trước, chuyên sâu ở tuyến sau”, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, chữa bệnh, thực hiện tốt “thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ”...

Trước cơ hội mở ra từ sự phát triển của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực y học, ngành tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuyên môn kỹ thuật ngành theo hướng “đi tắt đón đầu,” ưu tiên lĩnh vực ngoại khoa, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và các chuyên ngành y học quân sự, nhất là y học hải quân, không quân. Các bệnh viện, cơ sở quân y tuyến chiến lược sẽ tập trung vào phát triển, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao, kỹ thuật mũi nhọn, chuyên sâu, để tạo bước đột phá trong chẩn đoán, điều trị. Phấn đấu các bệnh viện quân đội đạt chuẩn tương đương theo xếp hạng bệnh viện của ngành y tế; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và và các bệnh viện quân y hạng 1 đạt trình độ tương tương bệnh viện tuyến cuối của quân đội một số nước phát triển trong khu vực về mặt kỹ thuật.

Đối với tuyến đơn vị, ngành tăng cường đầu tư cải tiến, hiện đại hóa trang thiết bị, vật chất quân y theo hướng “gọn, tinh nhuệ”, để nâng cao sức cơ động, đưa kỹ thuật ra tuyến trước, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quân y trong chiến tranh tương lai.

Những năm tới, ngành tăng cường xây dựng tiềm lực và đổi mới hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, xác định đây là vấn đề quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của ngành, trong đó, ngành chú trọng gắn kết các cơ sở đào tạo, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu và đơn vị sản xuất trong việc nghiên cứu, ứng dụng các đề tài vào thực tiễn; đồng thời, đẩy mạnh trao đổi, hợp tác với quân y các nước, phấn đấu sớm hoàn thành thủ tục để quân y Việt Nam trở thành thành viên của Ủy ban quân y quốc tế, tạo điều kiện để tiếp cận những thành tựu tiên tiến của y học và y học quân sự trong khu vực và trên thế giới, tránh tụt hậu.

Mặt khác, ngành tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế quản lý tài chính trong các bệnh viện; từng bước xã hội hóa một số khâu trong khám, chữa bệnh, nhằm phát huy tối đa nguồn lực xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe bộ đội, nhân dân, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, ngành đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua; đặc biệt là phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt," “Chiến sỹ quân y làm theo lời Bác”, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ,” xem đây là động lực quan trọng góp phần xây ngành quân y vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm truyền thống và hình ảnh cao đẹp của người “Thầy thuốc-Chiến sỹ” Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục