Tiêu dùng sẽ chiếm 43% tăng trưởng kinh tế TQ

Theo báo cáo của McKinsey, tiêu dùng sẽ chiếm khoảng 43% tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2020, so với 33% trong năm 2010.
Kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc sẽ trở nên tình cảm hơn và cá nhân hơn trong thập kỷ này, khi bộ máy kinh tế khổng lồ của châu Á thay đổi từ việc đầu tư sang tiêu thụ.

Báo cáo "Gặp gỡ người tiêu dùng Trung Quốc năm 2020" của nhóm tư vấn McKinsey, cho rằng tiêu dùng sẽ chiếm khoảng 43% tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2020, so với 33% trong năm 2010.

Báo cáo cũng cho biết chi tiêu tự do sẽ tăng trưởng 13,4% trong năm 2020, dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 15.000 người.

Báo cáo dự báo sự thay đổi lớn trong hành vi chi tiêu của người tiêu dùng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với những hậu quả rất lớn cho các công ty đang cố gắng khai thác thị trường Trung Quốc.

Tiền lương cao hơn, đô thị hóa và công nghiệp hóa, sự năng động ngày càng lớn, giáo dục được cải thiện, chính sách một con, phụ nữ ngày càng độc lập và sự mất cân bằng hoàn toàn giữa các vùng khác nhau sẽ là những yếu tố quan trọng trong thói quen chi tiêu trong tương lai của Trung Quốc.

Thu nhập bình quân hàng năm của hộ gia đình sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 4.000- 8.000 USD trong thập kỷ này, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,9% hàng năm so với 2,8% ở Hoa Kỳ.

Số lượng người tiêu dùng tương đối giàu có một cách chính thống trong các hộ gia đình với thu nhập hàng năm từ 16.000-34.000 USD sẽ tăng từ 6% dân số đô thị trong năm 2010 lên 51% vào năm 2020.

"Mặc dù số người giàu vẫn khá thấp so với các nước phát triển, nhóm này khoảng 400 triệu người, sẽ trở thành những người thiết lập các tiêu chuẩn cho việc tiêu dùng," báo cáo cho biết. Nhưng thế hệ người tiêu dùng mới này sẽ không phân bố đều trên khắp đất nước, mà tập trung ở một số đô thị.

Trong năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các cụm Thành Đô, một khu vực gồm 29 thành phố ở phía Tây Trung Quốc, sẽ bằng của Áo năm 2010; GDP của cụm Sơn Đông ở phía đông sẽ tương đương với Hàn Quốc ngày nay.

Trong khi Trung Quốc sẽ vẫn còn những người mua khôn ngoan, khi họ đắn đo trước khi móc hầu bao, thì cũng sẽ có nhiều người mạnh tay chi cho các sản phẩm đắt tiền và chất lượng cao hơn. Họ cũng có xu hướng để cảm xúc chi phối lựa chọn của mình

Max Magni - người đứng đầu bộ phận khách hàng của McKinsey ở Trung Quốc đại lục cho biết: "Khi thu nhập tiếp tục tăng lên, việc chi tiêu sẽ chuyển sang khía cạnh cảm xúc.  Chúng ta sẽ thấy người tiêu dùng phức tạp hơn nhiều."

Báo cáo đưa ra một ví dụ, rằng khi mua một thanh sôcôla, chỉ có 8% người tiêu dùng Trung Quốc năm 2009 nghĩ về các khái niệm như "nó thể hiện đẳng cấp của tôi" hoặc "đây là một thương hiệu cho những người như tôi" là quan trọng. Con số này hiện nay là 19%, và 24% với người tiêu dùng giàu có.

Mặc dù vậy, việc mua hàng một cách bốc đồng vẫn còn tương đối hiếm, chỉ có 28% người Trung Quốc so với 49% người được hỏi ở Vương quốc Anh.

McKinsey cho biết truyền thống tiết kiệm và thận trọng của Trung Quốc sẽ dần mất đi. Theo bản báo cáo: "Chắc chắn, việc tiêu thụ sẽ tăng mạnh phù hợp với thu nhập tăng nhanh, và tỷ lệ tiết kiệm cũng giảm xuống. Nhưng người Trung Quốc sẽ vẫn là người tiêu dùng thông thái bởi vì họ sẵn sàng dành thời gian để nghiên cứu hàng hóa. Và với việc dễ dàng so sánh giá cả, họ vẫn có thể trở nên khôn ngoan hơn"./.

N.A (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục