"Vay tiền từ dự trữ ngoại tệ sẽ gây rủi ro đến sự ổn định VND"

Các chuyên gia HSBC cho rằng, bất kỳ quyết định nào về việc Chính phủ được vay tiền từ dự trữ ngoại tệ cũng sẽ gây rủi ro đến sự ổn định tiền đồng.
"Vay tiền từ dự trữ ngoại tệ sẽ gây rủi ro đến sự ổn định VND" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 22/5, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC đã phát đi báo cáo phân tích tình hình kinh tế và ngoại hối với tiêu đề: “Việt Nam có nên tận dụng nguồn dự trữ ngoại tệ?”

Dữ liệu do HSBC đưa ra cho hay, Chính phủ Việt Nam vừa đề xuất kế hoạch mượn khoản dự trữ ngoại tệ sau khi cố gắng phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường nhưng thất bại.

HSBC cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước phải dùng nguồn dự trữ ngoại tệ để bảo vệ tỷ giá và tài trợ vốn cho các dự án Chính phủ sẽ khiến VND rơi vào thế bấp bênh. Dự trữ ngoại tệ hiện nay chỉ ở khoảng 2,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu cần thiết là ba tháng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước dường như không có dư địa để cho Chính phủ vay.

Và theo HSBC, một giải pháp dễ dàng hơn để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là sửa đổi Nghị quyết 78 đã có hiệu lực trong năm nay, vốn buộc Bộ Tài chính phải phát hành trái phiếu với kỳ hạn bằng hoặc dài hơn 5 năm.

"Nếu như Nghị quyết 78 được sửa đổi cho phép Bộ Tài chính phát hành trái phiếu có kỳ hạn ngắn hơn 5 năm sẽ làm giảm áp lực cho tình hình hiện tại. Ngay cả khi Nghị quyết này không được sửa đổi, theo quan điểm của chúng tôi, đề xuất sử dụng khoản dự trữ ngoại tệ cũng khó được thông qua," các chuyên gia HSBC nhấn mạnh.

Trước đề xuất trên, nhóm chuyên gia phân tích của Ngân hàng HSBC cho rằng, nguyên nhân nảy sinh đề xuất là do nhu cầu kém đối với trái phiếu Chính phủ ở các phiên đấu giá gần đây. Bộ Tài chính đang trong thời điểm khó khăn với việc phát hành trái phiếu trong năm nay. Trong 250.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành trái phiếu được ấn định cho năm 2015, Bộ Tài chính mới chỉ phát hành thành công 66.000 tỷ đồng, tương đương 27% kế hoạch.

Theo HSBC, một lý do khác khiến nhu cầu đối với trái phiếu dài hạn yếu có thể là những dự luật vừa mới ban hành gần đây như Thông tư 36 giới hạn các ngân hàng thương mại sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn của mình để đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Nhóm phân tích của ngân hàng này cho rằng, bất kỳ quyết định nào về việc Chính phủ được vay tiền từ dự trữ ngoại tệ cũng sẽ gây rủi ro đến sự ổn định tiền đồng, bởi Ngân hàng Nhà nước ra chính sách duy trì một biên độ giao dịch hẹp cho cặp tỷ giá USD/VND (+-1%) mang ý nghĩa, nguồn dự trữ ngoại tệ là công cụ cần thiết bảo đảm sự ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, nguồn dự trữ đang thấp hơn so với thông lệ và thấp hơn ngay cả với nền kinh tế khác như Bangladesh và SriLanka vốn có cơ chế quản lý ngoại tệ tương tự.

Những số liệu mới nhất cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đang nắm giữ khoảng 35 tỷ USD trong nguồn dự trữ ngoại hối vào cuối năm ngoái nhưng vẫn nằm dưới mức trung bình 3 tháng nhập khẩu. Đáng chú ý, cán cân thương mại đã chuyển từ ngưỡng dương vào tháng 11 năm ngoái sang ngưỡng âm 3,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay, một con số chưa từng thấy kể từ năm 2011. “Điều này sẽ càng gây khó khăn cho nguồn dự trữ ngoại hối và tiền tệ,” chuyên gia HSBC phân tích.

Báo cáo HSBC cho rằng, từ đầu năm đến nay, các yếu tố thị trường đã thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước giảm giá tiền đồng hai lần (mỗi lần 1% vào ngày 7/1 và 7/5). Ngân hàng Nhà nước khó có thể phá giá tiền đồng thêm một lần nữa dựa trên cam kết vào tháng 12/2014 là không giảm giá tiền đồng quá 2% trong năm nay.

Quốc hội đã tiến hành kỳ họp thứ 9 vào ngày 20/5 và sẽ kéo dài đến ngày 26/6. Theo đó, 11 dự án luật được kỳ vọng sẽ thông qua và 15 dự luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến, trong đó luật Ngân sách Nhà nước là một trong những dự luật được quan tâm.

Theo đánh giá của HSBC: “Nếu như Nghị quyết 78 không được sửa đổi trong phiên họp Quốc hội lần này, chúng tôi vẫn không kỳ vọng Chính phủ sẽ được thông qua quy định cho phép họ mượn tiền từ nguồn dự trữ ngoại tệ.”

Ngoài ra, khả năng FED tăng lãi suất vào cuối năm nay có thể là một nguyên nhân mới giúp USD mạnh lên và buộc Ngân hàng Nhà nước phải tận dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của mình. Nếu như nguồn dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước được đưa vào sử dụng cho việc cấp vốn các dự án phát triển của Chính phủ thì điều này sẽ khiến cho Ngân hàng Nhà nước trở nên thiếu cơ sở để duy trì với các cam kết và giữ vững uy tín của mình.

Tâm lý tiêu cực xung quanh những vấn đề này đã khiến tỷ giá USD/VND giao dịch ở nửa cao của biên độ, mặc dù mới phá giá gần đây.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có một vài giải pháp thay thế khác, chẳng hạn như lựa chọn việc phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế. Vì vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ không phá giá tỷ giá USD/VND thêm một lần nữa và duy trì mức tỷ giá dự báo của chúng tôi ở mức 21.750 đồng/USD vào cuối năm,” chuyên gia HSBC cho hay.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục