6 nguyên tắc cần thực hiện để đối phó với việc tái nhiễm SARS-CoV-2

Vấn đề làm thế nào để đối phó với việc tái nhiễm COVID-19 và liệu việc tiêm mũi vaccine thứ ba có cần thiết hay không đang được dư luận quan tâm.
6 nguyên tắc cần thực hiện để đối phó với việc tái nhiễm SARS-CoV-2 ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 14/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ rất sớm, song trước sự lây lan rất mạnh của biến thể Delta và Lambda, 1,9% số nhân viên y tế ở Malaysia đã tái nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế Malaysia, những ca tái nhiễm này chỉ thể hiện triệu chứng ở hạng mục 1 và 2 trong thang xếp hạng triệu chứng nhiễm COVID-19 gồm 5 hạng mục. Hạng mục 5 là bệnh nhân phải điều trị tích cực (ICU).

Do đó, việc làm thế nào để đối phó với việc tái nhiễm COVID-19 và liệu việc tiêm mũi vaccine thứ ba có cần thiết hay không đang được dư luận quan tâm. 

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur đã trao đổi với Tiến sỹ Sivakumar Sivalingam, Viện Tim Quốc gia Malaysia.

Tiến sỹ Sivakumar cho rằng trước sự tăng sinh nhanh chóng của các biến thể của virus SARC-CoV-2 thì việc tiêm phòng vaccine là không đủ. Kháng thể được tạo ra bằng cách tiêm vaccine chỉ bảo vệ được phần nào.

Do vậy, để bảo vệ chính mình, mọi người buộc phải tuân thủ nghiêm quy định giãn cách xã hội như tránh tiếp xúc gần, đeo khẩu trang và tấm chắn, đeo găng tay…

Và để tăng cường miễn dịch, hay nói cách khác là nhắc lại miễn dịch, chúng ta nên tiêm mũi vaccine thứ ba khi có điều kiện.

Các nhà miễn dịch học tin rằng một số loại vaccine yêu cầu tiêm “tăng cường” để duy trì khả năng bảo vệ. Và trong những trường hợp vaccine không ngăn ngừa hoàn toàn sự tái nhiễm mà chỉ làm giảm các triệu chứng trong quá trình tái nhiễm, thì những người đã hoàn thành tiêm chủng và đã hồi phục sau khi nhiễm bệnh cũng có thể trở thành người mang mầm bệnh không có triệu chứng, do đó, khiến những người già, những người có bệnh lý nền, những người dễ bị tổn thương gặp rủi ro.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Idris Adewale Ahmed, Đại học Malaya, cho biết xu hướng hiện nay là ngày càng có nhiều người - vốn đã nhiễm virus và khỏi bệnh (miễn dịch tự tự nhiên) hoặc hoàn thành việc tiêm phòng (miễn dịch nhân tạo) nhưng vẫn bị tái nhiễm. Nói cách khác, nhiều người bị nhiễm hai lần hoặc nhiều hơn và cũng có thể làm lây lan virus.

Do đó, sự gia tăng tái nhiễm virus corona cho thấy rõ ràng rằng việc hồi phục hoàn toàn sau khi nhiễm SARS-CoV-2 cũng như việc hoàn thành tiêm chủng là lý do khiến mọi người mất cảnh giác và bỏ qua các quy định về giãn cách xã hội như giữ khoảng cách khi giao tiếp, vệ sinh đúng cách và đeo khẩu trang hoặc tấm chắn giọt bắn.

Một trong những ưu tiên và mối quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học hiện nay là đánh giá dữ liệu về mật độ virus mà mọi người “thải ra” khi tái nhiễm virus vì mầm bệnh này vẫn có thể đóng vai trò như một “ổ bệnh” cho sự lây lan trong tương lai. Tỷ lệ tái nhiễm đang ở mức báo động trên toàn cầu.

Thực tế là ở một số khu vực đang trải qua các đợt bùng phát mới rất có thể tạo cơ hội cho mọi người tái tiếp xúc với virus.

Giải thích cho các trường hợp tái nhiễm với triệu chứng nặng hơn, các nhà khoa học cho rằng có thể ở lần lây nhiễm đầu tiên cơ thể bệnh nhân đã tạo ra các tế bào miễn dịch đáp ứng không tương xứng với lần lây nhiễm thứ hai.

Hiện nay có khả năng bị ô nhiễm và lây nhiễm chéo các loài động vật có xương sống, với một số động vật bị nhiễm bệnh có khả năng lây lan virus sang các động vật khác cũng như con người.

Bên cạnh sự tiếp xúc cơ thể với động vật hoang dã và động vật nuôi, việc lây truyền sang động vật qua chất thải của con người cũng có khả năng thông qua chất thải do con người gây ra như những con đường thứ cấp.

Động vật có thể tiếp xúc với chất thải từ các hộ gia đình bị nhiễm virus có chứa các chất sinh học lây nhiễm cho con người như giọt bắn có chưa virus, nước mũi, đờm, nước bọt, tinh dịch, dịch âm đạo, máu, nước tiểu và phân.

Việc vứt bỏ thiết bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang, găng tay, khăn giấy, bộ xét nghiệm và khăn lau không đúng cách, cũng có thể là nguồn lây nhiễm COVID-19 cho động vật hoang dã.

Chúng ta không nên quên rằng SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong vài ngày trên khẩu trang, khăn giấy, bề mặt và các vật liệu gia dụng khác trong các điều kiện thông thường.

Một số yếu tố góp phần vào sự lây truyền của virus corona là sự tái tổ hợp với tần số rất cao và tích lũy các đột biến.

Các chủng đột biến mới hơn như các biến thể Delta và Lambda chứng tỏ khả năng lây nhiễm cao hơn và tăng khả năng lây truyền. Vì vậy, để bảo vệ chính mình, mọi người nên tuân thủ 6 nguyên tắc sau:

1. Bất kỳ ai có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 buộc phải được cách ly ít nhất hai tuần.

2. Động vật thuần hóa hoặc vật nuôi có nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 nên được tiêu hủy một cách an toàn.

3. Con người nên thận trọng với động vật đã được thuần hóa và động vật hoang dã, đặc biệt là những loài được biết là dễ bị nhiễm SARS-CoV-2.

4. Tất cả các hướng dẫn được khuyến nghị khác như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và vệ sinh đúng cách phải được tuân thủ nghiêm ngặt.

5. Tất cả những người đủ điều kiện nên được cung cấp vaccine ngừa COVID-19 kể cả những người đã khỏi bệnh sau đợt nhiễm trùng trước đó.

6. Việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại cần được xem xét trong tương lai gần nhất để duy trì sự bảo vệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục