6.600 tỷ đồng triển khai dự án đào kênh Quan Chánh Bố

Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai dự án đào kênh Quan Chánh Bố để tàu trọng tải 10.000 tấn dễ dàng ra vào sông Hậu.
6.600 tỷ đồng triển khai dự án đào kênh Quan Chánh Bố ảnh 1Sông Hậu chảy trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai dự án đào kênh Quan Chánh Bố để tàu trọng tải 10.000 tấn dễ dàng ra vào sông Hậu và mở ba tuyến giao thông đường thủy trọng điểm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án đào kênh Quan Chánh Bố có tổng nguồn vốn đầu tư 6.600 tỷ đồng được Chính phủ đồng ý cho khởi động lại. Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung triển khai công tác đấu thầu.

Theo kế hoạch, sau khi kênh đào này hoàn thành, tất cả các tàu có trọng tải 10.000 tấn sẽ đi vào tất cả các cảng trong khu vực sông Hậu. Việc khởi động lại dự án này sẽ góp phần rất lớn cho công tác vận tải hàng hóa, giảm giá thành nhất là các mặt hàng nông, thủy sản qua các cảng biển lớn của tỉnh Trà Vinh, thành phố Cần Thơ đi đến các vùng miền khác trong cả nước và quốc tế.

Đối với hệ thống giao thông đường thủy, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung hoàn thành tuyến Hành lang đường thủy số 2 nối Thành phố Hồ Chí Minh qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.

Hiện nay dự án này đang trong giai đoạn cuối và dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Sau khi hoàn thành, các phương tiện giao thông thủy có tải trọng từ 500 đến 1.000 tấn từ các địa phương nói trên sẽ đi thẳng về Thành phố Hồ Chí Minh một cách dễ dàng, thuận tiện.

Tuyến đường thủy thứ 2 qua kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cũng vừa được khởi công cách đây hơn 1 tháng. Đây là tuyến đường thủy quan trọng trong hệ thống đường thủy từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyến đường thủy thứ 3 là Hàng lang đường thủy số 3 đi qua các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giao thông Vận tải đang làm công tác giải phóng mặt bằng.

Dự kiến từ 2 đến 3 năm nữa, toàn bộ 3 tuyến giao thông đường thủy nội địa và 1 tuyến kênh nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh đi các nước và ngược lại sẽ phát huy hiệu quả, làm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa rất lớn cho các tỉnh trong khu vực.

Hơn nữa, các tuyến giao thông này còn giúp giảm chi phí giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa nông sản của khu vực trong xu thế nước ta bắt đầu hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục