Ai Cập có hiến pháp mới nhưng chông gai vẫn còn

Giới quan sát khu vực cho rằng việc Hiến pháp mới được thông qua chỉ là bước đi đầu tiên trong lộ trình chuyển tiếp ở Ai Cập.
Ai Cập có hiến pháp mới nhưng chông gai vẫn còn ảnh 1Người biểu tình ủng hộ ông Morsi chạy tránh đạn hơi cay của cảnh sát trong cuộc xung đột ở thủ đô Cairo ngày 17/1. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hiến pháp mới của Ai Cập đã chính thức được thông qua với tuyệt đại đa số phiếu tán thành trong cuộc trưng cầu ý dân tổ chức trong hai ngày 14-15/1, đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong lộ trình chuyển tiếp chính trị ở quốc gia Bắc Phi này sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).

Đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Ai Cập thời hậu Morsi. Dù diễn ra khá muộn so với lịch trình kéo dài 6 tháng do Tổng thống lâm thời Adly Mansour vạch ra hôm 8/7/2013.

Cuộc bỏ phiếu này cho thấy lộ trình chuyển tiếp chính trị ở Ai Cập đang đi đúng hướng, bất chấp làn sóng bạo lực đang leo thang. Qúa trình bỏ phiếu diễn ra khá suôn sẻ, mặc dù có những lo ngại về các cuộc tấn công của các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng như các lời kêu gọi tẩy chay, biểu tình phong tỏa các địa điểm bỏ phiếu của MB và các lực lượng đồng minh.

Theo kết quả kiểm phiếu chính thức được Ủy ban Bầu cử Trung ương Ai Cập (SEC) công bố hôm 18/1, tỷ lệ ủng hộ đối với bản hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu dân ý lên tới gần 20 triệu người, đạt tới 98,1%. Theo đó, hơn 20,6 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu trong tổng số hơn 53,4 triệu người đăng ký tham gia, đạt tỷ lệ trên 38,6%, cao hơn mức 32% trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp do phe Hồi giáo chủ trì soạn thảo, tổ chức hồi tháng 12/2012 và là mức cao kỷ lục mà Ai Cập chưa từng ghi nhận trước đó.

Việc hiến pháp mới được thông qua thể hiện sự tin tưởng của người dân Ai Cập vào lộ trình chuyển tiếp chính trị được quân đội hậu thuẫn đồng thời mở đường cho các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội trước giữa năm nay.

Kết quả này cũng giúp củng cố tính hợp pháp của cuộc "cách mạng" ngày 30/6 vừa qua đồng thời tuyệt đối hóa cơ hội giành chiến thắng của Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah El-Sisi, đặc biệt là trong bối cảnh người dân Ai Cập đang muốn có một nhân vật cứng rắn để ổn định đất nước sau gần 3 năm triền miên bất ổn và bạo lực.

Tuy nhiên, giới quan sát khu vực cho rằng việc Hiến pháp mới được thông qua chỉ là bước đi đầu tiên, tạo điều kiện tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Hàng loạt thách thức về chính trị, kinh tế, an ninh và chính sách đối ngoại vẫn đang chờ đợi ở phía trước trên chặng đường dài nhằm khôi phục dân chủ và phát triển đất nước.

Nếu không giải quyết tốt và có những động thái cụ thể để làm yên lòng dân, Chính phủ dân bầu sắp tới của Ai Cập sẽ phải đương đầu với những vấn đề cũ của chính quyền tiền nhiệm trong bối cảnh bất ổn đang lan tràn khắp khu vực.

Việc ông El-Sisi ra tranh cử tổng thống và có khả năng giành chiến thắng sẽ đào sâu hơn nữa mâu thuẫn giữa phe Hồi giáo và phe thế tục đồng thời làm gia tăng làn sóng biểu tình của phe Hồi giáo – những người đang cáo buộc vị Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang này đã cầm đầu cuộc chính biến hồi đầu tháng Bảy năm ngoái cũng như chiến dịch trấn áp đẫm máu nhằm vào những người ủng hộ MB.

Sau khi bị coi là tổ chức khủng bố, MB một lần nữa bị gạt ngoài lề xã hội dù đã giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử được tổ chức trong 3 năm qua.

Tình cảnh mới sẽ buộc MB phải lui vào hoạt động bí mật như trong suốt hơn 8 thập kỷ qua và quyết tâm dốc toàn lực cho cuộc chiến "một mất một còn" chống lại chính quyền "đảo chính."

Trên thực tế, với một bộ máy được tổ chức tốt và một lực lượng ủng hộ đông đảo và hết sức trung thành, MB vẫn là một thế lực mạnh và là thách thức lớn nhất của chính quyền trong thời gian tới.

Một điều cũng khiến dư luận lo ngại đó là sau khi giành hoàn toàn kiểm soát các nhánh quyền lực, chính quyền mới, trong đó có nhiều người từng là thành viên của chính quyền Hosni Mubarak, có thể sẽ quá tự tin, dẫn tới việc phớt lờ và gia tăng đàn áp phe đối lập, đồng thời tìm cách trả thù các lực lượng cách mạng trước đây. Đây chính là sai lầm mà MB từng phạm phải sau khi lên nắm quyền.

Điều đáng nói là chính quyền mới của Ai Cập đang có dấu hiệu đi vào vết xe đổ đó với việc áp đặt Luật biểu tình gây tranh cãi và đưa ra xét xử các nhà hoạt động từng là biểu tượng của làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak 3 năm trước.

Ngoài ra, ngay cả khi lộ trình chuyển tiếp thành công, chính quyền mới sẽ ngay lập tức phải đối mặt với nhiều vấn đề gây đau đầu, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Sau 3 năm bất ổn, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ai Cập đã giảm mạnh từ mức gần 6% năm 2010 xuống còn 2,1% trong năm tài chính 2012-2013. Tỷ lệ nghèo đói đã vọt lên tới 26,5% so với mức 25,2% của năm trước. Tỷ lệ lạm phát ở mức trên 11% trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13,4%.

Theo thống kê, thâm hụt ngân sách đã đạt ngưỡng 34,8 tỷ USD, tương đương 14% GDP. Trong khi đó, nợ công đang ở mức báo động với 217,9 tỷ USD, chiếm khoảng 80% GDP. Đây là những bài toán khó cho bất kỳ đảng phái chính trị nào lên nắm quyền tại Ai Cập.

Để cải thiện tình hình bi đát trên, chính quyền mới sẽ không thể dựa mãi vào sự hào phóng của các nước vùng Vịnh mà sẽ buộc phải tiến hành các chương trình cải cách đau đớn như cắt giảm dần các khoản trợ cấp, dù biết rằng điều đó sẽ kích động bất ổn xã hội.

Chính sách đối ngoại cũng là một thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền mới. Ai Cập hiện có 3 vấn đề cấp bách về chính sách đối ngoại phải cần giải quyết ngay. Một là, cuộc tranh chấp với Ethiopia liên quan đến dự án đập thủy điện "Đại phục hưng" ở thượng nguồn sông Nile vốn đang đe dọa đến nguồn sống của hơn 85 triệu người dân Ai Cập.

Hiện Cairo đang ở trong tình cảnh rất bất lợi so với Addis Ababa khi đồng minh truyền thống cuối cùng của Ai Cập là Sudan đã quay sang ủng hộ quốc gia vùng Sừng châu Phi.

Hai là, khôi phục vị thế yếu kém của mình ở Trung Đông, xuất phát từ những khó khăn trong nước cũng như việc quá lệ thuộc vào các khoản viện trợ của các nước trong khu vực.

Ba là, tình trạng cô lập quốc tế sau cuộc chính biến lật đổ ông Morsi cũng như chiến dịch đàn áp đẫm máu đối với những người ủng hộ nhà lãnh đạo này.

Theo các nhà phân tích, chính quyền mới ở Ai Cập chỉ có thể đứng vững nếu duy trì được sự ủng hộ của đại bộ phận người dân để tiến hành các cuộc cải cách sâu rộng và giải quyết các thách thức hết sức cấp bách hiện nay. Chính sách hòa giải dân tộc là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn sắp tới và là tiền đề cho sự phát triển ổn định của đất nước.

Để làm được điều đó, MB và các lực lượng đồng minh Hồi giáo sẽ phải chấp nhận thực tế mới và đoạn tuyệt với bạo lực để có thể được tham gia vào tiến trình chính trị ở Ai Cập.

Trong khi đó, về phía chính quyền, họ cũng cần tạo cơ hội cho những người Hồi giáo hướng thiện, thay vì tiếp tục đẩy họ vào chân tường và buộc họ phải lựa chọn hình thức đấu tranh cực đoan./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục