Thông báo ngày 29/9 của Bộ Tài chính Mỹ cho biết với số phiếu 6-3, các thành viên Hội đồng Giám sát ổn định tài chính thuộc bộ này đã nhất trí xóa tên AIG khỏi danh sách các "đại gia" không được phép phá sản do lo ngại những hệ lụy tiêu cực đối với phần còn lại của nền kinh tế Mỹ.
Khái niệm "quá lớn để được phép sụp đổ" ra đời trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Các tập đoàn lớn gắn với cụm từ này được hiểu là những "đại gia" có tầm ảnh hưởng và nếu phá sản, có thể kéo theo những tác động tiêu cực tới ổn định tài chính vĩ mô của nền kinh tế Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ buộc phải can thiệp để cứu các tập đoàn này.
[AIG lập thêm công ty con tại Luxembourg để đối phó với Brexit]
Trong lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 2008, Bộ Tài chính Mỹ đã phải chi 182 tỷ USD để giúp AIG - từng là một tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới -không bị phá sản.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là ông Henry Paulson khẳng định nếu "cú đỡ" này đã giúp hệ thống tài chính Mỹ trụ vững và "giải cứu" hàng triệu người dân Mỹ.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết các thành viên trong Hội đồng Giám sát ổn định tài chính đã làm việc nghiêm túc để đánh giá xem liệu trong tình huống xấu nhất (bị phá sản), AIG có cơ đe dọa sự ổn định tài chính hay không nếu.
AIG bày tỏ rất vui mừng về kết quả bỏ phiếu. Động thái trên đồng nghĩa với việc nới lỏng đáng kể sự giám sát của cơ quan quản lý đối với AIG. Cổ phiếu của AIG đã tăng 1,0% vài giờ sau quyết định của Hội đồng Giám sát ổn định tài chính, lên mức 62USD/cổ phiếu.
Sau cú thoát hiểm 2008, AIG đã cơ cấu lại tổ chức và nhanh chóng khôi phục vị thế dẫn đầu của mình trong thị trường bảo hiểm địa ốc và công nghiệp Mỹ./.