An Giang, Tây Ninh, Đà Nẵng quyết liệt chống dịch theo Chỉ thị 16

An Giang quyết định mở rộng phạm vi giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 đối với hai huyện Thoại Sơn và huyện Tri Tôn; Đà Nẵng đã áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ trên địa bàn 4 phường.
An Giang, Tây Ninh, Đà Nẵng quyết liệt chống dịch theo Chỉ thị 16 ảnh 1Đường Hà Hoàng Hổ, thành phố Long Xuyên vắng người và phương tiện lưu thông trong những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. (Ảnh; Thanh Sang/TTXVN)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Bạc Liêu và thành phố Đà Nẵng đang tập trung quyết liệt nhiều biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh - Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, cho biết tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 Thủ tướng Chính phủ đối với toàn 11 huyện, thị xã, thành phố đến hết ngày 1/8.

Tỉnh An Giang quyết định mở rộng phạm vi giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 đối với hai huyện Thoại Sơn và huyện Tri Tôn từ 0 giờ ngày 19/7 đến hết ngày 1/8. An Giang cũng điều chỉnh thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của 9 huyện, thị xã, thành phố gồm Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới đến hết ngày 1/8/2021.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang quyết định mở rộng phạm vi giãn cách xã hội đối với 9/11 thành phố, thị xã, huyện gồm Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới theo Chỉ thị số 16/CT-TTg từ 0 giờ ngày 15/7 đến hết ngày 25/7. Riêng hai huyện Tri Tôn và Thoại Sơn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 11/7.

Trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với toàn 11 huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Tỉnh khẩn trương phối hợp với ngành y tế và các đơn vị có liên quan tận dụng triệt để thời gian giãn cách xã hội để ngăn chặn, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch hiệu quả, dứt khoát; không để tiềm ẩn trường hợp dương tính trong cộng đồng, gây bùng phát dịch trong tỉnh; các địa phương có ổ dịch đang được kiểm soát phải truy vết thần tốc, khoanh vùng và dập dịch triệt để. Đồng thời, có kế hoạch chăm lo công tác an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong điều kiện phòng chống dịch cấp bách do chủng virus mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang kêu gọi cả hệ thống chính trị,cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân “vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng” chấp hành và thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ quyết tâm kiểm soát tốt, ngăn chặn và sớm đẩy lùi dịch bệnh.

An Giang, Tây Ninh, Đà Nẵng quyết liệt chống dịch theo Chỉ thị 16 ảnh 2Tây Ninh phong tỏa khu nhà trọ Phan Minh Mập nơi 2 ca F0 ở. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Chiều 17/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh có công văn khẩn thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ, ngày 18/7.


Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, cán bộ, công chức, viên chức đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị, công nhân làm việc tại các công trường xây dựng, tại các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, không bị dừng hoạt động, người lao động tham gia sản xuất nông nghiệp và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh giao các ngành liên quan đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị nhân dân bình tĩnh, chung sức đồng lòng, trách nhiệm, cùng nhau vượt qua khó khăn, sớm khống chế dịch bệnh đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chiều 17/7, Sở Y tế Tây Ninh cho biết, trong ngày 17/7, tỉnh ghi nhận thêm 18 ca mắc mới trong cộng đồng. Trong đó, huyện Dương Dương Minh Châu mắc nhiều nhất 6 ca, các địa phương có các ca F0 vẫn đang truy vết F1 và F2, khoanh vùng, dập dịch để ngăn chặn lây lan ra cộng đồng.

Đánh giá cụ thể theo bốn mức độ của dịch bệnh, có ba địa phương trong tỉnh có nguy cơ rất cao là thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh và Thị xã Hòa Thành; năm huyện ở mức độ nguy cơ cao là Dương Minh Châu, Bến Cầu, Gò Dầu, Châu Thành, Tân Châu.

Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm yêu cầu toàn hệ thống chính trị trong tỉnh tập trung phòng chống dịch một cách quyết liệt. Theo Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn được kiểm soát, nhưng nguy cơ tiềm ẩn rất cao, do đó phải tận dụng thời gian vàng để dập dịch. Trong quá trình thực hiện phải kiên quyết không để “ngoài chặt, trong lỏng," các địa phương giao nhiệm vụ cụ thể, chủ động, linh hoạt để ứng phó tình hình cấp bách hiện nay; đồng thời chuẩn bị các phương án lo cho đời sống của người dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang ở mức nguy cơ rất cao, hiện các ổ dịch chưa rõ nguồn lây, có khả năng lây lang rộng trong cộng đồng, nên cần thiết phải cấp bách thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg để ngăn chặn dịch bệnh.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Bạc Liêu thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kể từ 00 giờ ngày 19/7.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn, đồng thời đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu và lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chỉ đạo vẫn cho phép tiếp tục duy trì hoạt động của các chợ truyền thống (để bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, riêng các chợ tự phát phải dừng hoạt động), các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, các nhà thuốc, cửa hàng thuốc đã được cấp phép, song phải đảm bảo cao nhất các yêu cầu phòng chống dịch, nhất là 5K (nếu không đảm bảo thì phải dừng hoạt động).

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, Bạc Liêu sẽ thực hiện nghiêm các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ gồm bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế; bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K. Việc thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.

[Người dân Đà Nẵng đồng lòng với chủ trương chống dịch của thành phố]

Chiều 17/7, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng thông tin, tính từ 13 giờ ngày 16/7 đến 13 giờ ngày 17/7, Đà Nẵng ghi nhận 30 trường hợp mắc COVID-19. Như vậy, tính từ ngày 10/7 đến 14 giờ 30 ngày 17/7, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 143 trường hợp mắc COVID-19.

Đà Nẵng đang điều trị 193 bệnh nhân COVID-19; thực hiện cách ly, giám sát 1.558 trường hợp F1 và 2.820 trường hợp F2 (tất cả F1 đều được cách ly tập trung hoặc tại cơ sở y tế). Trong ngày 17/7, thành phố lấy mẫu xét nghiệm cho 18.269 lượt người.

An Giang, Tây Ninh, Đà Nẵng quyết liệt chống dịch theo Chỉ thị 16 ảnh 3Khu vực thực hiện Chỉ thị 16 tại phường Thạc Gián được các lực lượng chức năng túc trực bảo vệ. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Liên quan đến công tác kiểm soát dịch tại Công ty Murata Đà Nẵng (Công ty Điện tử Việt Hoa), khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng đã xác định 23 ca dương tính SARS-CoV-2 (sáng 16/7 ghi nhận thêm một ca mắc COVID-19); toàn bộ 565 F1 đã đi cách ly tập trung. Trong ngày 17/7, cơ quan chức năng đã tầm soát, truy vết hơn 3.000 trường hợp.

Ban Quản lý Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu làm việc với Công ty Murata, yêu cầu công ty này cung cấp danh sách người lao động toàn công ty có đầy đủ thông tin về nơi lưu trú, đồng thời cung cấp thông tin các trường hợp F1 để chuyển cho các địa phương biết và triển khai truy vết; tổ chức phun khử khẩn tại công ty từ 15-16/7; phối hợp tổ chức đưa người lao động đi cách ly tại các khách sạn. Đến nay, công ty này đã quyết định dừng hoạt động 14 ngày.

Ông Phan Văn Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho hay, các trường hợp mắc COVID-19 vừa ghi nhận đều là những F1 đã được cách ly và những người ở trong khu vực phong tỏa. Trong ngày 17/7, Đà Nẵng có 19 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh và xuất viện.

Ông Sơn đề xuất, các quận, huyện đánh giá lại mức nguy cơ dịch bệnh ở tại các phường, xã để có biện pháp phòng, dịch hiệu quả; sớm triển khai thực hiện xét nghiệm đại diện hộ gia đình, trong đó tại các khu vực nóng sẽ thực hiện xét nghiệm 100% đại diện hộ gia đình, các nơi khác thực hiện xét nghiệm 30% đại diện hộ gia đình.

Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho hay Đà Nẵng đã áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ trên địa bàn 4 phường. Trong quá trình thực hiện có thể phát sinh ra vướng mắc, bất cập, tuy nhiên các địa phương phải làm với quyết tâm cao nhất, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; lưu ý trong quá trình triển khai Chỉ thị 16 của Chính phủ, các địa phương không nên máy móc, hiểu và vận dụng một cách linh hoạt.

Theo ông Quảng, việc áp dụng Chỉ thị 16 phải thực hiện chặt ngay từ đầu, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trên cơ sở xét nghiệm đánh giá được tình hình, các địa phương có thể thu hẹp vùng cách ly, nới lỏng, và khoanh vùng các khu vực nóng; không nhất thiết phải áp dụng thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ trong vòng 14 ngày, mà tùy theo tình hình có thể nới lỏng sớm hoặc kéo dài.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng phải đảm bảo điều kiện thiết yếu, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ; đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu đồng thuận, tạo điều kiện cho công tác chống dịch được thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương khẩn trương, huy động lực lượng, tổng lực thực hiện việc khoanh vùng, xét nghiệm các khu vực nóng của dịch bênh, nơi tập trung đông công nhân; các cơ quan chức năng cùng nhau phối hợp gấp rút xây dựng quy trình, kịch bản phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, học hỏi kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang trong việc khống chế dịch COVID-19.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị các địa phương đẩy nhanh công tác xét nghiệm tại các điểm "nóng" dịch COVID-19 để đánh giá tình hình; chuẩn bị các khu cách ly tập trung để sẵn sàng đón người dân từ thành phố Hồ Chí Minh về; giao ngành y tế tổ chức thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà ở quận Ngũ Hành Sơn, khẩn trương triển khai tổ chức Bệnh viện dã chiến trong khu Ký túc xá phía tây (quận Liên Chiểu)…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục