An ninh lương thực đối với Liên bang Nga trong tình hình hiện nay

Nga là quốc gia đóng vai trò quan trọng trên thị trường lương thực toàn cầu và là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất (lúa mỳ). Nga coi an ninh lương thực là một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia.
An ninh lương thực đối với Liên bang Nga trong tình hình hiện nay ảnh 1Cánh đồng lúa mỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng của Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) số ra mới đây có bài viết cho biết, vấn đề an ninh lương thực đã quay trở lại trong chương trình nghị sự toàn cầu - sau đại dịch tấn công các chuỗi lương thực, vào đầu năm 2022, thế giới lại tiếp tục bị rung chuyển bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Những tác động của vấn đề an ninh lương thực đối với thế giới vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. 

Cho tới nay, chỉ có một điều rõ ràng là thế giới và cộng đồng quốc tế đang ngày càng rời xa mục tiêu xóa đói, và vấn đề an ninh lương thực đang trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của thế giới.

Ngoài các yếu tố như dịch bệnh và xung đột, các xu hướng dài hạn cũng góp phần vào điều này: sự gia tăng dân số và cùng với đó là mức tiêu thụ thực phẩm trong bối cảnh thay đổi về mô hình thực phẩm (chế độ ăn protein, gia tăng chất thải thực phẩm). Tất cả điều này đều được xếp trên sự thay đổi khí hậu và sự nóng lên liên tục của Trái Đất.

Kể từ những năm 1970, cách tiếp cận của Liên hợp quốc và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã có sự phát triển - từ an ninh lương thực như đảm bảo lượng dinh dưỡng cần thiết trở thành một khái niệm toàn diện về an ninh lương thực, bao gồm cả khả năng tiếp cận về thể chất và kinh tế, dinh dưỡng và chất lượng, kết hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững dọc theo toàn bộ chuỗi thực phẩm.

Đồng thời, Liên hợp quốc ngày càng chú ý nhiều hơn không chỉ đến tính thân thiện với môi trường của sản xuất mà còn chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả mọi người.

Cần đặc biệt lưu ý rằng ngoài nạn đói và suy dinh dưỡng, trong bối cảnh an ninh lương thực, còn có những vấn đề như ngày càng có nhiều người béo phì và tiêu thụ quá mức, suy dinh dưỡng, một tỷ lệ lớn lãng phí thực phẩm. Và đây là lý do chính của nghèo đói và bất bình đẳng kinh tế.

Tuy nhiên, tính phân chia của sự phát triển thế giới được thể hiện ở chỗ tính trung bình thì sản lượng lương thực trên thế giới đủ để cung cấp cho toàn bộ dân số Trái Đất.

Như vậy, vấn đề an ninh lương thực thể hiện ở hai thái cực: Trong khi cư dân của một số quốc gia đang chết đói, thì ở những quốc gia khác, việc tiêu thụ lại diễn ra quá mức, thường là thực phẩm rẻ tiền chất lượng thấp, đang gia tăng. Hiện trên hành tinh, số người đói và số người béo phì là ngang nhau.

Cách tiếp cận của Nga: Từ độc lập về lương thực đến tiềm năng xuất khẩu

Đối với Nga, an ninh lương thực là một phần của khái niệm an ninh quốc gia. Như vậy, ý tưởng về an ninh lương thực được thể hiện ngầm trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Liên bang Nga năm 2021, cụ thể là về lợi ích quốc gia (phát triển bền vững nền kinh tế Nga trên nền tảng công nghệ mới, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, tài nguyên và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu) và các ưu tiên chiến lược quốc gia (an ninh kinh tế, an ninh môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, phát triển khoa học và công nghệ).

[Nga hạn chế xuất khẩu ngũ cốc sang các nước Liên minh kinh tế Á-Âu]

Học thuyết An ninh lương thực đầu tiên dạng này của Liên bang Nga đã được Tổng thống Dmitry Medvedev phê duyệt vào năm 2010. Trong tài liệu này, mục tiêu chiến lược là duy trì sự ổn định của sản xuất trong nước và nguồn dự trữ nông sản an toàn, cá và các sản phẩm khác từ tài nguyên sinh vật dưới nước, cũng như lương thực.

Khái niệm an ninh lương thực được hiểu là “tình trạng nền kinh tế của đất nước khi đảm bảo sự độc lập về lương thực của Liên bang Nga, đảm bảo khả năng tiếp cận về thể chất và kinh tế đối với mỗi công dân của đất nước với các sản phẩm lương thực, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật Liên bang Nga về quy định kỹ thuật, với khối lượng không nhỏ hơn định mức tiêu thụ thực phẩm hợp lý cần thiết cho một lối sống năng động và lành mạnh.

Trên cơ sở đó, các định hướng chính của an ninh lương thực là cả khả năng tiếp cận về kinh tế và thể chất đối với các sản phẩm thực phẩm, đảm bảo an toàn của chính thực phẩm và tăng sản lượng (thông qua tăng độ phì nhiêu của đất, phát triển chăn nuôi, sử dụng công nghệ mới), cũng như các quy định về thuế quan.

Khái niệm này là phù hợp với tầm nhìn của Liên hợp quốc và FAO, nhưng điểm đặc biệt trong cách tiếp cận của Nga ở chỗ nhấn mạnh vào việc đảm bảo độc lập về lương thực. Do đó, trong Học thuyết năm 2010 đưa ra các giá trị ngưỡng đối với tỷ trọng sản xuất của một số sản phẩm thực phẩm trong tổng khối lượng nguồn hàng hoá (có tính đến dự trữ chuyển tiếp) của thị trường nội địa (ngũ cốc, khoai tây, sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt và các sản phẩm từ thịt, muối ăn, đường, dầu thực vật, các sản phẩm từ cá).

Vào tháng 1/2020, Học thuyết An ninh lương thực mới đã được thông qua, thay thế Học thuyết năm 2010. Khái niệm an ninh lương thực được hiểu theo cách tương tự như trong phiên bản trước - đó là khả năng tiếp cận cả về thể chất và kinh tế với các sản phẩm thực phẩm đáp ứng các yêu cầu, bao gồm Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU); sự hỗ trợ tính độc lập thực phẩm được quy định riêng. So với phiên bản trước của Học thuyết, danh sách các sản phẩm thực phẩm đảm bảo tính độc lập được mở rộng.

Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ trong học thuyết là hiện thực tiềm năng xuất khẩu nông sản - “đạt được cán cân thương mại tích cực đối với các sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu và thực phẩm.” Một nhiệm vụ khác là hình thành các nguyên tắc về lối sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư.

Những thách thức chính đối với Nga

Trong việc thực hiện an ninh lương thực, Nga phải đối mặt với hai thách thức vĩ mô: môi trường (suy thoái và cạn kiệt đất, các cú sốc khí hậu và đại hồng thuỷ, tính dễ tổn thương của nông nghiệp trước biến đổi khí hậu) và an ninh tài nguyên (nhân lực có trình độ, phụ thuộc công nghệ vào nhập khẩu và không đủ trình độ phát triển cơ giới hoá và công nghệ, tỷ trọng nhập khẩu thức ăn và con giống cao).

Khả năng tiếp cận về kinh tế đối với nguồn dinh dưỡng chất lượng đầy đủ là những vấn đề quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực ở Nga. Cú sốc kinh tế và lạm phát làm tăng chi tiêu lương thực của người dân, vốn đã tăng nhanh hơn thu nhập thực tế, thường trong bối cảnh tăng tổng sản lượng của các cây trồng chính. Chi tiêu cho thực phẩm chiếm vị trí hàng đầu trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Nga. 

Từ năm 2014 đến năm 2020, giá lương thực tăng 51,7% trong khi thu nhập bình quân đầu người tăng 34,3%. Điều này cũng được khẳng định bởi giá thành của “bộ nguyên liệu súp củ cải đỏ” (bộ nguyên liệu này được Bộ Công thương quy định bao gồm khoai tây, cải bắp, cà rốt, hàn tây, củ cải đường - là các loại rau trong chế độ ăn uống của người Nga bình thường, từ trẻ em đến người hưu trí).

Trong 5 năm (từ 2017 đến tháng 1/2022), giá rau của bộ nguyên liệu này đã tăng gấp đôi. Các nhóm người dân dễ bị tổn thương và thu nhập thấp bị ảnh hưởng đặc biệt. Theo FAO, chế độ ăn uống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra các bệnh không lây nhiễm ở châu Âu.

Thực phẩm cũng là “một loại vũ khí”

Nga đang chuyển từ việc đáp ứng nhu cầu trong nước sang tăng cường xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, chính sách của quốc gia hướng tới điều này (Học thuyết An ninh Lương thực, dự án liên bang “xuất khẩu các sản phẩm của tổ hợp nông-công nghiệp…). Năm 2009, Nga lần đầu tiên sau một thời gian dài khẳng định mình là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu ngũ cốc. 

Sản lượng ngũ cốc và cây họ đậu là sản lượng cây trồng chính ở Nga (24,5% vào năm 2020), trong khi sản lượng ngũ cốc đang tăng lên (tổng sản lượng ngũ cốc giai đoạn 2011-2015 đạt trung bình 93,1 triệu tấn và 133,5 triệu tấn vào năm 2020).

Hiện nay, Nga đang giữ vị trí đầu tiên về xuất khẩu lúa mỳ (37,3 triệu tấn vào năm 2020, trong khi đó Mỹ là 26,1 triệu tấn và Canada là 26,1 triệu tấn). Đồng thời, chỉ có Nga (chiếm 16%) và Ukraine (10%) cung cấp khoảng 26% lượng lúa mỳ xuất khẩu ra thị trường thế giới. Hai nước này cũng chiếm khoảng một nửa thị trường xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu.

Các khu vực xuất khẩu ngũ cốc và các loại đậu của Nga cũng rất đa dạng - vào năm 2020, Nga đã xuất khẩu ngũ cốc sang 138 quốc gia trên thế giới. Người tiêu dùng truyền thống là các nước Trung Đông; trong những năm gần đây, ngũ cốc đã được cung cấp nhiều hơn cho châu Phi. Các quốc gia châu Á (chủ yếu là Trung Quốc) và Nam Mỹ (Colombia, Venezuela) được coi là những thị trường đầy hứa hẹn. 

Khách hàng tiêu thụ ngũ cốc chính của Nga vào năm 2020 là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã mua khoảng 11,3 triệu tấn ngũ cốc, đây là tỷ lệ cung cấp hàng cao nhất cho nước này trong toàn bộ thời kỳ xuất khẩu các sản phẩm của Nga. Các khách hàng quan trọng khác (theo thứ tự ưu tiên giảm dần) là Iran, Ai Cập, Saudi Arabia và Trung Quốc.

Cơ hội xuất khẩu của Nga bị hạn chế bởi các yếu tố vận tải và hậu cần (năng lực hạn chế, mạng lưới giao thông kém phát triển). Hầu hết (82%) lượng ngũ cốc xuất khẩu của Nga đi qua các cảng của lưu vực Azov-Biển Đen, 1/3 trong số đó qua cảng của thành phố Novorossiysk. Dự kiến Nga sẽ xây dựng Cảng Ngũ cốc Viễn Đông, nơi sẽ trở thành trung tâm phân phối cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Vào ngày 1/4/2022, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga đã viết trên kênh Telegram cá nhân như sau: “Như vậy là an ninh lương thực của nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung cấp của chúng ta. Hóa ra thức ăn là vũ khí thầm lặng của chúng ta. Thầm lặng nhưng đáng ngại. Và nếu ai không biết hoặc đã quên, thì việc xuất khẩu nông sản của chúng ta đã vượt hơn xuất khẩu vũ khí thực sự.”

Ông Medvedev cũng đề nghị không cung cấp thực phẩm và nông sản cho “các quốc gia không thân thiện.” Do đó, xuất khẩu lương thực trở thành một công cụ gây ảnh hưởng chính trị.

Trong thời kỳ hậu hiện đại và trong bối cảnh đại dịch gây ra nỗi sợ hãi ngày càng tăng đối với cuộc sống và việc ưu tiên sức khoẻ làm giá trị, những thách thức và đe dọa truyền thống không mất đi. Và một trong những thách thức chính đó là an ninh lương thực, như một mối đe dọa đối với cuộc sống của cá nhân và nhà nước.

Việc đối phó với mối đe doạ này được xây dựng chủ yếu ở cấp quốc gia. Hiện nay, có lẽ hơn bao giờ hết, an ninh lương thực gắn liền với các vấn đề khác - sức khỏe, phát triển kinh tế xã hội, khí hậu và xung đột.

Nga là quốc gia đóng vai trò quan trọng trên thị trường lương thực toàn cầu và là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất (chủ yếu là lúa mỳ). Đồng thời, quốc gia này phát triển cách tiếp cận của riêng mình, coi an ninh lương thực là một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia của nhà nước và chủ quyền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục