Áp dụng Chiến lược 2X để tiến tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam

2X là chiến lược mới đã được triển khai tại 18 huyện của 7 tỉnh, thành phố nhằm chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-Quang ngực và xét nghiệm GeneXpert - phương pháp phát hiện vi khuẩn lao.

Ngày 15/12, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương cùng Chương trình Chống lao quốc gia phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Sức khỏe gia đình tổ chức Hội thảo "Hợp tác y tế hướng tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam - Áp dụng Chiến lược 2X."

Chương trình có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Đại sứ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam Christopher Klein; Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock; Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia  Nguyễn Viết Nhung; đại diện Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố và một số tổ chức quốc tế.

Áp dụng tối ưu những công cụ sẵn có

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, trong những năm qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã luôn quan tâm và thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ đối với công tác chống lao.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao. Đây là cơ sở quan trọng để huy động sự vào cuộc và ủng hộ của lãnh đạo, chính quyền địa phương đối với hoạt động phòng chống lao trên cả nước. 

Chương trình Chống lao quốc gia cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế cả về kỹ thuật và tài chính cho công tác phòng, chống lao tại Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trân trọng cám ơn các tổ chức, đối tác quốc tế đã hỗ trợ và đồng hành với Chương trình Chống lao quốc gia trong thời gian qua.

[PGS-TS Nguyễn Viết Nhung: Chống lao phải như phòng, chống COVID-19]

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, mặc dù tình hình dịch tễ lao vẫn còn rất phức tạp nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong những năm qua. Việt Nam là 1 trong 9 nước đạt mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số: hiện tại mắc, mới mắc và tử vong do lao vào năm 2015.

Việt Nam đã duy trì tỷ lệ khỏi bệnh lao cao với trên 92% cho người mới mắc lần đầu, 75% người mắc lao đa kháng nói chung và 80% cho người mắc lao đa kháng đơn thuần với phác đồ ngắn hạn, trong khi con số trung bình toàn cầu là 56%.

Ngay cả với lao siêu kháng thuốc thì Việt Nam cũng đã có phác đồ điều trị, có thuốc mới và dần bao phủ mở rộng trên phạm vi toàn quốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc tiên phát trong cộng đồng.

Năm 2017, Chương trình Chống lao quốc gia đã triển khai Điều tra dịch tễ lao toàn quốc lần thứ 2, sử dụng kỹ thuật chẩn đoán có độ nhạy và độ đặc hiệu cao là GeneXpert.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ hiện mắc lao tại Việt Nam là 316/100.000 dân, giảm 38% so với Điều tra dịch tễ lao toàn quốc lần đầu tiên năm 2007. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã sử dụng kết quả điều tra để ước tính lại gánh nặng dịch tễ bệnh lao của Việt Nam. 

Trên lộ trình tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, Chương trình Chống lao quốc gia cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Dịch tễ bệnh lao đang giảm nhưng quá chậm (trung bình mỗi năm giảm 4%).

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị chương trình Chống lao quốc gia cần áp dụng tối ưu những công cụ sẵn có trong chẩn đoán và điều trị lao kết hợp với bao phủ y tế toàn dân và các chính sách bảo trợ xã hội.

Đồng thời, cần nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vắcxin mới, các tiếp cận can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị sớm để cắt đứt nguồn lây; điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao và huy động sự tham gia của các đối tác trong và ngoài nước vào công tác phòng chống lao. 

Mở rộng chiến lược 2X

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình chống Lao quốc gia, cho biết, Chương trình Chống lao quốc gia đang triển khai Chiến lược 2X (Xquang-Xpert) trong công tác phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay.

Chương trình do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam tổ chức nhằm phát hiện ca bệnh lao, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 là cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.

Áp dụng Chiến lược 2X để tiến tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam ảnh 1Bác sỹ thăm khám tại nhà bệnh nhân lao ở xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Chiến lược 2X là chiến lược mới nhằm chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-Quang ngực và xét nghiệm GeneXpert - phương pháp phát hiện vi khuẩn lao.

Từ tháng 2/2020, chương trình 2X đã được triển khai tại 18 huyện của 7 tỉnh, thành phố. Người tham gia được chụp X-quang, nếu có tổn thương bất thường nghi lao sẽ được làm xét nghiệm Gene Expert, người bệnh được kết nối với cơ sở điều trị tại tuyến huyện, tuyến tỉnh.

Để tối ưu hóa nguồn lực, chương trình đã triển khai xét nghiệm cho nhóm bệnh nhân nguy cơ cao và người cùng gia đình nhiễm lao.

Theo đại diện USAID, tại cơ sở y tế, chương trình đã tập trung vào các đối tượng là bệnh nhân tiểu đường, ngoại trú hô hấp, nội trú viêm phổi tại 19 cơ sở y tế. Đã có 92.604 người được chụp X-quang, 4.915 người có kết quả bất thường nghi lao, chiếm tỷ lệ, 5.3% cho cả ba nhóm bệnh nhân. 

Trong số 4.596 người được xét nghiệm Gene Xpert có 874 mắc lao, trong đó có 45,5% người lớn 55 tuổi, 77% là nam giới. Tỷ lệ phát hiện tại cơ sở y tế là 994 trong số 100.000 người chụp X-quang, cao hơn nhiều so với trước khi triển khai 2X và triển khai thụ động trước đó.

Chương trình 2X triển khai tại cộng đồng và đã chụp X-quang cho những người tiếp xúc trong hộ gia đình cùng nhóm nguy cơ cao gồm 52.864 người, có 7.920 người có kết quả X-quang bất thường nghi lao, chiếm tỷ lệ 15%, phát hiện 802 ca lao có bằng chứng vi khuẩn học...

Như vậy, sau gần 10 tháng triển khai chương trình 2X, tỷ lệ phát hiện lao trung bình tại 7 tỉnh, thành phố là khoảng 1.517/100.000 người được chụp X-quang, cao hơn nhiều so với trước khi có X. Trong đó, tỷ lệ người được xác định nhiễm lao tiềm ẩn là 3.027 người.

Chiến lược 2X có hiệu quả phát hiện lao và lao tiềm ẩn tại cơ sở y tế và động đồng, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ cao như người cao tuổi, người hút thuốc, bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân có tiền sử điều trị lao và người tiếp xúc trong hộ gia đình. 

Chương trình chống Lao quốc gia sẽ mở rộng phát hiện chủ động ca lao áp dụng chiến lược 2X tới 25 tỉnh, thành phố bắt đầu từ tháng 12/2020. Quy trình triển khai 2X quốc gia được xây dựng dựa trên quy trình, kinh nghiệm triển khai và hỗ trợ kỹ thuật của USAID./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục