Apple đang lên kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc

Ấn Độ và Việt Nam được cho là những lựa chọn thay thế nhưng theo chuyên gia, hai nước cũng có khó khăn riêng như lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhưng lại thiếu công nhân.
Apple đang lên kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc ảnh 1Công nhân tại một xưởng sản xuất của khu công nghệ Foxconn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. (Nguồn: VCG)

Theo Wall Street Journal, trong những tuần gần đây "gã khổng lồ" công nghệ Apple đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lập kế hoạch tích cực hơn để lắp ráp các sản phẩm mới của Apple ở một số nước châu Á khác, đặc biệt là ở Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà lắp ráp của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với sự dẫn đầu của Foxconn.

Tình hình không ổn định tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxonn ở Trịnh Châu đã thúc đẩy sự thay đổi của Apple.

[Foxconn dự kiến nhà máy tại Trịnh Châu sẽ lại hoạt động hết công suất]

Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại và việc tuyển dụng chậm lại tại Apple đã khiến "gã khổng lồ" công nghệ gặp khó khăn trong việc phân bổ nhân sự cho kế hoạch triển khai sản xuất sản phẩm mới (NPI), làm việc với các nhà cung cấp mới và các quốc gia mới.

Một số nhà phân tích và nhà cung ứng cho biết mục tiêu dài hạn của Apple là sản xuất 40-45% lượng iPhone ở Ấn Độ, so với tỷ lệ một con số hiện nay.

Việt Nam dự kiến sẽ đảm nhận thêm việc sản xuất các sản phẩm khác của Apple như Airpods, đồng hồ thông minh và máy tính xách tay.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, Ấn Độ và Việt Nam cũng có những khó khăn riêng như lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhưng lại thiếu công nhân.

Dân số Việt Nam chưa bằng 1/10 dân số Trung Quốc và các nhà máy sản xuất chỉ có 60.000 công nhân thay vì hàng trăm nghìn công nhân như ở Trịnh Châu, Trung Quốc.

Còn Ấn Độ tuy có dân số gần bằng Trung Quốc nhưng sự điều hành của chính quyền ở các bang lại khác nhau và chính quyền khu vực buộc công ty phải thực hiện các nghĩa vụ trước khi cho phép xây dựng sản phẩm ở đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục