Australia yêu cầu hai chuỗi siêu thị dọn hàng nghìn tấn rác thải nhựa

Theo một báo cáo của tờ Sydney Morning Herald, các chuỗi siêu thị của Australia phải trả ít nhất 3,5 triệu AUD (khoảng 2,5 triệu USD) cho việc loại bỏ và xử lý nhựa mềm dự trữ.
Australia yêu cầu hai chuỗi siêu thị dọn hàng nghìn tấn rác thải nhựa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Sydney Morning Herald)

Hai chuỗi siêu thị lớn của Australia là Coles và Woolworths được yêu cầu dọn sạch sạch hơn 5.200 tấn rác thải nhựa mềm tích trữ tại 15 địa điểm trên toàn bang.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của bang New South Wales ngày 3/2 đã ban hành dự thảo “Thông báo thu dọn” liên quan yêu cầu này.

Lượng rác thải trên được thu gom sau khi hai chuỗi siêu thị quảng bá rộng rãi chương trình thu gom nhựa mềm tái chế đến khách hàng.

Hàng nghìn khách hàng đã tích cực thu gom rác thải nhựa mềm và bỏ chúng vào thùng thu gom của siêu thị địa phương vì tin rằng các chất thải nhựa mềm đó sẽ không bị vứt ra bãi rác mà sẽ được tái chế, Giám đốc Điều hành EPA của bang New South Wales Tony Chappel cho biết.

Theo ông Chappel, lượng rác thải nhựa mềm trong các nhà kho trên khắp bang New South Wales hiện nay rất đáng lo ngại và cần phải loại bỏ để giảm nguy cơ hỏa hoạn.

EPA đưa ra ba lựa chọn xử lý rác thải cho các siêu thị, bao gồm xử lý chất thải tại bãi rác, xuất khẩu ra nước ngoài hoặc tái chế. Tuy nhiên, không quốc gia nào chấp nhận nhập khẩu nhựa mềm ô nhiễm và không có cơ sở nào ở Australia có khả năng tái chế số lượng nhựa mềm được lưu trữ.

Coles và Woolworths có sáu ngày để phản hồi về dự thảo thông báo.

Tổ chức RED Group có trụ sở tại Melbourne đã hợp tác với Coles và Woolworths, cùng một số thương hiệu siêu thị khác của Australia, tổ chức thu gom rác thải nhựa mềm nhằm giúp giảm lượng bao bì nhựa thải ra bãi rác. Tuy nhiên, chương trình đã tạm dừng thu gom nhựa mềm từ tháng 11 năm ngoái.

[Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở ngoài khơi Australia]

Các chuỗi siêu thị phải trả ít nhất 3,5 triệu AUD (khoảng 2,5 triệu USD) cho việc loại bỏ và xử lý nhựa mềm dự trữ, theo tờ Sydney Morning Herald.

Giám đốc Điều hành Tony Chappel cho biết những vật liệu này, một khi bị buộc phải tái chế, có thể bị chôn lấp trong đất, vì vậy, chính quyền cần phải có hành động pháp lý để bảo vệ các cộng đồng ở bang New South Wales.

Hiện nhiều quốc gia khác cũng đang đưa ra những chính sách mới để khuyến khích giảm rác thải nhựa.

Bộ Công nghiệp và Bộ Tài chính Thái Lan gần đây khuyến khích các doanh nghiệp dùng nhiều hơn các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học nhằm giảm thiểu rác thải chương trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thái Lan Suriya Jungrungreangkit, mức giảm thuế tương đương 25% số tiền mà các công ty đã trả để mua các sản phẩm nhựa có thể phân hủy sinh học từ năm 2022-2024. Biện pháp này cũng nhằm ủng hộ mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh của Chính phủ nước này.

Mô hình kinh tế trên được chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha xem như một mục trong chương trình nghị sự quốc gia, khuyến khích các nhà sản xuất áp dụng các kỹ thuật có thể gia tăng giá trị cho sản phẩm, đồng thời ít hoặc không tác động đến môi trường.

Trong khi đó, tại Canada, một số nhà hàng đã trải qua nhiều tháng thử nghiệm, nghiên cứu giải pháp thay thế tốt nhất cho các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Trong số đó có những cái tên như Hệ thống Service Inspired Restaurants, Nhà hàng Tim Hortons và cả McDonald’.

Khi ngành dịch vụ ăn uống của Canada điều chỉnh theo từng giai đoạn của luật liên bang nhằm loại bỏ hoàn toàn nhiều sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khách hàng có thể nhận thấy hộp đựng thức ăn, ống hút và các dụng cụ khác bằng nhựa được dần thay thế bằng các lựa chọn thân thiện hơn với môi trường trong năm nay.

Australia yêu cầu hai chuỗi siêu thị dọn hàng nghìn tấn rác thải nhựa ảnh 2Nhiều nhà hàng tại Canada sẵn sàng loại bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần. (Nguồn: Canada Today)

Theo kế hoạch, Chính phủ Canada cấm các công ty nhập khẩu hoặc sản xuất sáu sản phẩm nhựa gồm túi nylon, hộp đựng thức ăn, ống hút, que khuấy, dao kéo và dây buộc lốc sáu lon nước vào cuối năm 2022. Các sản phẩm này sẽ bị cấm bán vào cuối năm 2023 và cấm xuất khẩu vào cuối năm 2025.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chủ nhà hàng đều sẵn sàng thực hiện chuyển đổi nhanh chóng.

Giám đốc điều hành hiệp hội phi chính phủ Restaurants Canada, bà Kelly Higginson, cho biết trước đại dịch, các doanh nghiệp đã rất ủng hộ các lựa chọn xanh hơn trong ngành dịch vụ ăn uống, nhưng gần đây yêu cầu này lại trở thành một áp lực.

Việc chuyển đổi có thể làm tăng chi phí của một số mặt hàng lên tới 125%, đồng thời cũng có không ít lo ngại về chuỗi cung ứng và chất lượng sản phẩm, bà Higginson cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục