"Bà mụ vườn" dùng dao lam cắt rốn, trẻ sơ sinh tử vong vì uốn ván

Tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 3 trường hợp trẻ sơ sinh bị uốn ván, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong, 1 trường hợp nguy kịch đều do "bà mụ vườn" dùng dao lam cắt rốn.
"Bà mụ vườn" dùng dao lam cắt rốn, trẻ sơ sinh tử vong vì uốn ván ảnh 1Khám sàng lọc và tư vấn tiêm chủng cho trẻ so sinh. (Nguồn: TTXVN)

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 3 trường hợp trẻ sơ sinh bị uốn ván, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong, 1 trường hợp nguy kịch đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Cả 3 trường hợp này đều là con của các bà mẹ người dân tộc thiểu số, thực hiện sinh đẻ tại nhà, do “bà mụ vườn” đỡ đẻ, người mẹ không được tiêm phòng vắcxin uốn ván.

Ngày 11/1/2017, bé trai gần 1 tháng tuổi, con của chị H’Mươn Ea Nuôl, xã Cư Ea Bur, thành phố Buôn Ma Thuột đã tử vong sau nhiều ngày điều trị uốn ván sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Người nhà sản phụ cho biết trước đó, tháng 12/2016, chị H’Mươn sinh con tại nhà. Trong thời gian mang thai, chị chưa từng đi khám thai cũng như không được tiêm chủng. Khi chị sinh, “mụ vườn” đã dùng dao cạo (dao lam) cắt rốn cho trẻ sơ sinh rồi quấn rốn bằng băng khô.

Mấy ngày sau khi sinh, bé trai con chị H’Mươn có dấu hiệu sốt cao, tay chân co quắp và được chuyển tới bệnh viện cấp cứu.

Ngày 1/2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk lại tiếp nhận trường hợp bé trai gần 3 tháng tuổi con của chị H’Năm Bdap, buôn Rung, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Trẻ sơ sinh này sau đó ít ngày đã tử vong và được chẩn đoán bị nhiễm trùng uốn ván.

Trước đó, tháng 12 năm 2016, chị H’Năm sinh con tại nhà, chưa từng đi khám thai cũng như không được tiêm chủng. Khi chị H’Năm sinh, “bà mụ vườn” đã dùng dao lam cắt rốn cho trẻ sơ sinh rồi quấn rốn bằng băng khô.

Trường hợp thứ 3 là trẻ sơ sinh hơn 10 ngày tuổi con của chị H’Ngọc, xã Yang Réh, huyện Krông Bông. Hiện trẻ sơ sinh được chẩn đoán bị uốn ván đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk trong tình trạng thở bằng máy, sức khỏe yếu.

Theo bác sỹ Lê Đình Nhân, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, qua theo dõi bệnh án, trước đó chị H’Ngọc cũng sinh tại nhà, được “bà mụ vườn” đỡ đẻ và cắt rốn trẻ bằng dao lam. Đây chính là nguồn gây bệnh nhiễm trùng uốn ván.

Bác sỹ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện có khoảng 10% phụ nữ tại Đắk Lắk không được tiêm phòng uốn ván trong giai đoạn ở độ tuổi sinh sản. Phần lớn các trường hợp này là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa hoặc sinh đẻ ở nhà hoặc nương rẫy trong những điều kiện dễ bị nhiễm trùng uốn ván.

Bác sỹ Phạm Văn Lào cũng khuyến cáo chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đi tiêm chủng vắcxin phòng bệnh uốn ván; thực hiện việc sinh đẻ tại các cơ sở y tế để phòng uốn ván sơ sinh cho trẻ, đặc biệt tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (có tập quán sinh đẻ tại nhà, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp).

Các cơ sở y tế cũng cần tuyên truyền để các “bà mụ vườn” không thực hiện việc đỡ đẻ khi chưa đủ điều kiện; hướng dẫn các bà mẹ đến cơ sở y tế để được thăm khám và đảm bảo an toàn khi sinh đẻ; chủ động rà soát tỷ lệ tiêm chủng vắcxin uốn ván thực tế tại các vùng dân cư, thôn buôn, phát hiện sớm các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp để có kế hoạch tiêm vét.

Trong những năm qua, ở tỉnh Đắk Lắk, một số phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ tại nhà, Ngoài việc "bà mụ vườn" cắt rốn bằng dao lam, nhiều trường hợp còn dùng miếng sành thủy tinh, lồ ô, tre nứa… để cắt rốn dẫn đến trẻ bị nhiễm trùng uốn ván./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục