Bài học từ việc Colombia bị tổ chức S&P đánh tụt mức tín nhiệm

Việc bị mất xếp hạng tín dụng cấp đầu tư-điều có thể làm tăng chi phí đi vay-là tin đáng lo ngại đối với bất kỳ chính phủ nào. Nhưng Colombia không phải là quốc gia duy nhất từng bị hạ bậc.
Bài học từ việc Colombia bị tổ chức S&P đánh tụt mức tín nhiệm ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc hãng xếp hạng tín nhiệm S&P rút Colombia khỏi hạng đầu tư toàn cầu vào tuần trước không đơn thuần đặt ra câu hỏi “nước nào sẽ bị hạ bậc kế tiếp”. Nó còn làm dấy lên câu hỏi sẽ có bao nhiêu quốc gia “thoát nạn” xác định lại mục tiêu xếp hạng của mình.

Câu chuyện không của riêng một quốc gia

Việc bị mất xếp hạng tín dụng cấp đầu tư-điều có thể làm tăng chi phí đi vay-là tin đáng lo ngại đối với bất kỳ chính phủ nào. Nhưng Colombia không phải là quốc gia duy nhất từng bị hạ bậc.

Trong thập kỷ qua, Brazil, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với một số nước khác đã bị giáng cấp tương tự Colombia. Và áp lực từ đại dịch COVID-19 đồng nghĩa với việc nhiều quốc gia khác đang gặp nguy hiểm.

Gần đây, Fitch và Moody's đều cảnh báo Ấn Độ và Romania về triển vọng xếp hạng của họ. Fitch cũng đặt Colombia, Panama và Uruguay trong danh sách theo dõi. Và dù Curacao nhỏ bé là quốc gia duy nhất còn lại trong danh sách theo dõi của S&P, 10 quốc gia khác đang ở trong nhóm xếp hạng đầu tư BBB- khá bấp bênh bất chấp triển vọng “ổn định.”

Nhìn tư bên ngoài, tình hình của nhiều quốc gia có vẻ không khả quan. Ấn Độ nổi bật nhất với gánh nặng nợ tương đương tới 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng tất cả (trừ Romania) hiện có tỷ lệ nợ cao hơn mức trung bình là tương đương 55% GDP đối với một quốc gia được xếp hạng BBB-.

Mức trung bình cho các khoản thanh toán lãi suất cũng dự kiến cao hơn đáng kể ở các thị trường mới nổi trong năm nay. Fitch cho rằng con số này tương đương 2,5% GDP so với 1,2% GDP ở các nền kinh tế lớn. Nếu COVID-19 tiếp tục, đà phục hồi sẽ bị trì hoãn và con số trên có thể khó đi xuống.

Tuy nhiên, bất chấp những số liệu ảm đạm, các nhà đầu tư trên thị trường tài chính sử dụng hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) dường như không cho rằng bất kỳ quốc gia nào trong số nêu trên sắp bị hạ bậc.

Một năm trước, các CDS hướng tới Ấn Độ, Colombia cũng như Indonesia và Mexico với thị trường trái phiếu khổng lồ trị giá 130 tỷ USD, trong khi  xếp hạng của tất cả những nước này đều bị hạ cấp thành "rác." Nhưng hiện các giao dịch tại những thị trường này vẫn duy trì ở mức cho thấy các quốc gia sẽ giữ được xếp hạng đầu tư của mình.

Giám đốc tín dụng của Moody's tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, ông Colin Ellis, giải thích không có tỷ lệ nợ trên GDP nào tự động kéo tụt hạng của các nước vì thực tế không vận hành như vậy.

Việc bị hạ cấp đầu tư xuống “rác” có thể tự động loại trái phiếu chính phủ hoặc công ty khỏi một số chỉ số đầu tư cao cấp nhất định, cũng như kéo theo một vấn đề do chi phí đi vay tăng cao.

Tuy nhiên trái ngược với “làn sóng khủng khiếp” của năm ngoái khi các cơ quan hạ bậc của 25% -30% số quốc gia họ xếp hạng, số được Moody's nâng cấp cao gần gấp ba lần so với số bị hạ cấp trong năm nay. Số lượng đánh giá nâng bậc của S&P cũng tăng thêm 50% khi tính cả các công ty.

Sự thiếu thống nhất trong đánh giá xếp hạng

 Giới phân tích cũng chú ý đến sự không thống nhất trong đánh giá của các cơ quan xếp hạng.

Như với trường hợp Colombia, quốc gia tuần trước cho biết họ sẽ nỗ lực để duy trì niềm tin của thị trường vào hệ thống tài chính của mình, các nhà phân tích tại ngân hàng Barclays cho hay S&P quá “mạnh tay” với nước này.

Ngay cả khi gặp vấn đề về kế hoạch thuế, tỷ lệ nợ trên GDP của Colombia là 65%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 90% của Ấn Độ hoặc 85% của Croatia vốn đã được tái xác nhận xếp hạng BBB vào tuần trước.

Tỷ lệ nợ của Colombia dù tăng 15 điểm phần trăm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cũng nhỏ hơn mức tăng gần 20 điểm phần trăm của Romania. Tuy nhiên, S&P vừa đưa Romania ra khỏi danh sách cảnh báo hạ cấp.

Italy- quốc gia có mức nợ lên tới tương đương 150% GDP trong năm nay, đã được S&P nâng xếp hạng.

Chuyên gia phân tích Eldar Vakhitov cỉa cho biết vấn đề ở đây là các cơ quan xếp hạng dường như đang chấp nhận trao niềm tin cho nhiều quốc gia, dù nền tảng của họ không thực sự vững.

Trước đây, S&P từng đưa Romania vào danh sách cảnh báo hạ cấp vào năm 2019 với lý do lo ngại thâm hụt ngân sách của họ đang tăng từ tương đương 3% GDP lên 4,5% GDP. Tuy nhiên, cơ quan này đã không có động thái hạ bậc ngay cả khi con số trên đã tăng lên tương đương 9% GDP vào năm 2020 rồi được dự đoán là 7% GDP trong năm nay.

[Fed sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phát triển đồng USD kỹ thuật số]

Một trong những nhà phân tích hàng đầu của S&P, ông Frank Gill, chỉ ra rằng Chính phủ mới của Romania đã quyết định không tăng mạnh lương hưu. Nhìn chung, chuyên gia này cho rằng với rất nhiều bất ổn xung quanh tác động của COVID-19 lên các nền kinh tế, việc cơ quan này chấp nhận tin tưởng các chính phủ trong những trường hợp cụ thể là rất hợp lý.

Một quản lý cấp cao của Fitch, ông Tony Stringer, gần đây cũng đã chỉ ra thực tế việc khoản nợ của các nước hầu hết đều tăng đồng nghĩa là tình trạng tồi tệ của từng quốc gia riêng lẻ trông không quá nổi bật. Fitch dự báo nợ chính phủ trên toàn cầu sẽ đạt 95.000 tỷ USD vào năm 2022, tăng kỷ lục 40% (về danh nghĩa) so với năm 2019.

Dù vậy, đối với các nhà quan sát khác, việc các cơ quan xếp hạng chấp nhận mức nợ cao của một số nước là điều khó giải thích. Việc xếp hạng được thiết kế đặc biệt để đánh giá khả năng trả nợ của các quốc gia, và lịch sử cho thấy mức nợ càng cao thì nguy cơ của nước đó càng lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục