Bàn biện pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn FDI

Để thúc đẩy giải ngân vốn FDI, nhiều ý kiến đề nghị tổng rà soát, điều chỉnh và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến 2020.
Ngày 7/9, tại thành phố Vũng Tàu, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức Hội nghị tìm biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn FDI.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm là do việc theo dõi, giám sát thực hiện dự án ở nhiều địa phương không sát sao, thậm chí không nắm được tình hình, tiến độ triển khai nếu không có yêu cầu từ Trung ương.

Mặc dù còn thiếu chế tài đối với các doanh nghiệp không thực hiện dự án nhưng các quy định hiện hành vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều dự án quá lớn ở một số nơi trong điều kiện địa phương thiếu quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, chưa chuẩn bị được nguồn nhân lực quản lý, không cân đối được lợi ích do dự án mang lại với chi phí cho dự án dẫn tới khả năng thực hiện thấp.

Ngoài ra, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí chi trả cho giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất cần khẩn trương rà soát các chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung, quy định còn bất cập, tăng mức chế tài trong xử phạt, đồng thời tổng rà soát, điều chỉnh và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020 và huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Cục Đầu tư nước ngoài cần rà soát, tổng hợp lại tình hình giải ngân, tìm ra những khó khăn vướng mắc để đề xuất các cơ chế chính sách, biện pháp xử lý nhằm hỗ trợ các địa phương giải ngân nhanh.

Bên cạnh đó, các địa phương dứt khoát không cấp phép cho các dự án có công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án, cân nhắc về tỷ suất đầu tư trên diện tích đất; kiên quyết thu hồi đất và giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án FDI không có khả năng triển khai, thu hồi diện tích đất dự án không sử dụng hết chuyển cho dự án khác...

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi khá nhanh và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong thời gian tới.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2010, cả nước có 438 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,9 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2009.

Lũy kế đến tháng 7/2010, cả nước có hơn 11.750 dự án FDI từ 91 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 187 tỷ USD./.

Đoàn Mạnh Dương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục