Ban Cán sự Đảng góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng bộ Hà Nội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thành ủy Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đóng góp xây dựng văn kiện; đồng thời cho biết thống nhất với những nội dung lớn, quan trọng của văn kiện.

Chiều 7/8, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến của Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.

Hà Nội luôn là hình mẫu đối với các địa phương cả nước

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, đã trải qua 9 hội nghị lớn để xin ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhân sỹ trí thức Thủ đô, các sở ngành, địa phương, quận huyện, cán bộ lão thành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; đã được Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến góp ý.

Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện đã bám sát 14 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố. Phần mục tiêu tổng quát được xây dựng cho giai đoạn 5 năm 2020-2025, có định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thành ủy Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đóng góp xây dựng văn kiện; đồng thời cho biết thống nhất với những nội dung lớn, quan trọng của văn kiện.

Thủ tướng nhắc đến vai trò trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia của Hà Nội, một trong những đô thị lớn nhất cả nước và kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, giao dịch quốc tế. Hà Nội còn là trái tim thân yêu của cả nước với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội.

Vì vậy, Hà Nội luôn là hình mẫu đối với các địa phương cả nước về mọi mặt, gồm cả việc xây dựng Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố.

[Chủ tịch Quốc hội: Dự thảo văn kiện của Hà Nội cần gắn với Luật Thủ đô]

Thủ tướng cho rằng, Dự thảo văn kiện đã bám sát tư tưởng, quan điểm lớn của Đảng, đó là Cương lĩnh, các Nghị quyết Đại hội Đảng, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI của Thành phố; đặc biệt là nghiên cứu kỹ để đảm bảo phù hợp với các Dự thảo văn kiện lần thứ XIII của Đảng.

Ban Cán sự Đảng góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng bộ Hà Nội ảnh 1Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ với các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng nhấn mạnh, Đại hội Đảng bộ Hà Nội thành công không chỉ là bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ nhiệm kỳ mới vững mạnh, đoàn kết, có tâm, có tầm, có đủ năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà còn đóng góp quan trọng cho thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Các nội dung phân tích, đánh giá, nhận định trong Dự thảo báo cáo thẳng thắn, khách quan, nghiêm túc, rõ ràng cả về những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém; thể hiện sâu sắc các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra trong nhiệm kỳ vừa qua.

Song, Thủ tướng cũng đề nghị Dự thảo cần đề cập sâu hơn nữa công tác xây dựng Đảng - một nhiệm vụ then chốt của Đảng, cả trong công tác xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đến việc đề cao trách nhiệm nêu gương, những vấn đề này cần được thể hiện đậm nét hơn trong Dự thảo.

Hà Nội luôn phải đi đầu

Cơ bản nhất trí với đánh giá 14 nội dung thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng nêu rõ, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trên hầu hết các lĩnh vực; trong đó tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm cao hơn cả nước, đạt 7,39%. Cơ cấu kinh tế hiện đại, nông nghiệp chỉ còn 2%; chất lượng tăng trưởng cao hơn cả nước.

Bộ mặt Thủ đô thay đổi nhanh và phát triển toàn diện, Thủ đô khang trang, văn minh hơn, hiện đại hơn, thành phố xanh hơn, sạch hơn. Hạ tầng kỹ thuật xã hội được cải thiện nhiều với những công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại.

Trật tự kỷ cương xã hội được tăng cường, nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực. Hà Nội còn dẫn đầu cả nước nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục đào tạo, thể thao thành tích cao, chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Hà Nội thể hiện tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, phục hồi, duy trì phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm cao hơn mức bình quân cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của Hà Nội như: Tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt vị trí địa chính trị, địa kinh tế của thành phố. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như công trình giao thông, xử lý rác thải, nước thải còn chậm. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch có nơi còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Việc gìn giữ môi trường còn nhiều vấn đề.

Ngoài ra, mặc dù Thủ đô là nơi tập trung nguồn lực chất lượng cao nhưng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố.

Văn hóa ứng xử với người dân, từng gia đình và nơi công cộng còn chưa có sự thay đổi rõ nét. Hành vi bạo lực, thiếu văn minh văn hóa, hiện tượng vô cảm vẫn còn tồn tại ở Thủ đô. Chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị cần được cải thiện. Công tác dự báo, nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn, xử lý một số vụ việc phức tạp phát sinh còn hạn chế. Còn có một số vụ việc phức tạp, kéo dài, có nơi thành điểm nóng về an ninh trật tự, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh sự đồng đều của nhiều tổ chức đảng được tăng lên thì năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng bộ, bộ phận đảng viên còn thấp, đặc biệt ý thức, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt.

Về mục tiêu đến năm 2025, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ thành phố tính toán lại các bộ chỉ tiêu, hướng đến không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Hà Nội cũng phải đi đầu cả nước về các chỉ tiêu tăng trưởng trên các lĩnh vực.

Đặc biệt, cần tính toán xu hướng chuyển dịch đầu tư công nghệ, cơ cấu kinh tế lao động, chuyển đổi ngành nghề, lĩnh vực; giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa-xã hội. Song song với đó là không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại hội nhập; tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác Đảng.

Ban Cán sự Đảng góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng bộ Hà Nội ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Đảng bộ thành phố Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng cũng lưu ý, Hà Nội cần tiếp tục là một địa phương tích cực trong chuyển đổi số, phát triển y tế, giữ gìn bản sắc Hà Nội văn minh thanh lịch trong ứng xử, xứng đáng với danh hiệu Thành phố vì hòa bình.

Nhất trí nhiệm vụ, mục tiêu như Dự thảo đã đề ra: Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Thủ tướng cũng đề cập đến nhiệm vụ thực hiện mục tiêu kép gắn với các vấn đề cụ thể, đặc thù của thành phố.

Trước thực trạng tồn tại số lượng lớn dự án nhiều năm vẫn chưa triển khai được trên địa bàn, Thủ tướng đề nghị Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và các giải pháp, kế hoạch triển khai, chậm triển khai, lãng phí nguồn lực và cơ hội, thậm chí ảnh hưởng niềm tin đối với nhà đầu tư.

Trên cơ sở đó, thành phố tiếp tục làm rõ, xử lý những tồn tại để có hướng giải quyết dứt điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục