Ban hành Đạo luật ngân hàng mới gây tranh cãi

Văn bản mới bao gồm một loạt điều khoản về cải cách và cơ cấu lại khu vực ngân hàng từng rơi vào tình trạng vỡ nợ của Ireland.
Đạo luật ngân hàng mới gây tranh cãi của Ireland đã có hiệu lực, bất chấp những quan ngại của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Phủ Tổng thống Ireland cho biết, Tổng thống nước này Mary McAleese đã ký ban hành đạo luật mới đêm 21/12.

Với tên gọi Đạo luật ổn định các thể chế cho vay, văn bản mới bao gồm một loạt điều khoản về cải cách và cơ cấu lại khu vực ngân hàng từng rơi vào tình trạng vỡ nợ của Ireland.

Tuy nhiên, ECB tuần trước đã phát tín hiệu phản đối đạo luật mới khi gợi ý Dublin nên tham vấn ECB trước khi ban hành đạo luật này.

Theo ECB, đạo luật mới không hoàn toàn chặt chẽ về pháp lý đối với một số vấn đề quan trọng trong Khu vực đồng euro.

Các đảng đối lập trong Quốc hội Ireland cũng phản đối Đạo luật ổn định các thể chế cho vay vì lo ngại văn bản này trao quá nhiều quyền bạn cho Bộ trưởng Tài chính Brian Lenihan.

Tổng thống McAleese đã có lúc dự tính chuyển đạo luật mới lên Tòa án Tối cao Ireland xem xét liệu văn bản này có đi ngược lại Hiến pháp nước này hay không.

Nhằm trấn an dư luận trong và ngoài Ireland, Bộ Tài chính nước này khẳng định việc ông Lenihan thực thi các quyền hạn mới theo Đạo luật ổn định các thể chế cho vay không gây nguy hiểm cho Ngân hàng Trung ương Ireland, ECB, bất kỳ ngân hàng trung ương nào ở các nước EU khác, hay các nhà cho vay đối với các thể chế được nhà nước đảm bảo.

Bộ này nhấn mạnh ông Lenihan không thể đưa ra các chỉ thị cụ thể hay thực hiện các giao dịch tài sản cụ thể nếu các quyết định này không được Ngân hàng Trung ương Ireland ủng hộ.

Sau nhiều năm cho vay "bạt mạng," cộng với tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự sụp đổ của thị trường bất động sản trong nước, khu vực ngân hàng Ireland hiện đã cạn tiền, không thể trang trải các khoản nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Để thoát khỏi bờ vực vỡ nợ, Dublin đã phải xin trợ giúp 85 tỷ euro (113 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục