Bánh kẹo Tết: Lại rộ “hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Càng cận Tết, thị trường bánh kẹo kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt” càng "nóng," đòi hỏi người tiêu dùng cần cảnh giác để không mua phải hàng nhái, chất lượng kém, không rõ nguồn gốc...
Hộp bánh Đan Mạch, nhưng ruột lại là bánh quy không rõ nguồn gốc. Thậm chí, cả một trường mẫu giáo còn dính quả lừa khi nhập về “bánh xốp” ruột bánh mỳ nhái cho các cháu ăn. Càng gần Tết, câu chuyện về các loại bánh kẹo “hồn Trương Ba, da hàng thịt” càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Bánh mỳ ra lò trước ngày sản xuất
Cầm trên tay một gói bánh mỳ ruốc có nhãn hiệu Hải Châu, chị N. (Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại: “Cháu nhà tôi học ở trường tiểu học Phương Liệt. Tối hôm trước, cháu mang về một gói bánh mỳ ruốc vốn là phần ăn của các cô mua cho. Ban đầu tôi không để ý vì nó giống y hệt bánh Hữu Nghị.” Tuy nhiên, khi nhìn kỹ lại, chị N. tá hỏa khi thấy ngày sản xuất của sản phẩm này là 11/1 trong khi thời điểm con chị mang về lại mới là ngày 10/1. Bên cạnh đó, nếu so sánh với sản phẩm bánh mỳ ruốc Staff của nhãn hiệu Kinh Đô, bao bì sản phẩm này nhạt hơn. Các dòng chữ ghi ngày sản xuất cũng như hạn dùng đều mờ nhạt và khá thô. Kiểm tra tiếp, chị mới ngã ngửa vì không sao tìm được bất cứ một loại bánh mỳ ruốc nào có tên là Stass như chữ in trên bao bì của sản phẩm này. Theo tìm hiểu của phóng viên Vietnam+, Công ty Bánh kẹo Hải Châu không hề có bất cứ sản phẩm bánh mỳ ruốc nào. Trên thị trường chỉ có duy nhất bánh mỳ ruốc Staff của Hữu Nghị. Sau khi biết được điều này, chị N lo lắng: không hiểu chất lượng cũng như sự an toàn của sản phẩm này tới sức khỏe các cháu ra sao? ” Một điều đáng chú ý khác là trên sản phẩm bánh mỳ ruốc này có in đầy đủ logo, địa chỉ của công ty Hải Châu. Điểm khác biệt duy nhất chỉ là email của công ty trên sản phẩm nhái là pkdtt_haichau@yahoo.com thay vì pkdthaichau@yahoo.com như chính hãng.
Bánh kẹo Tết: Lại rộ “hồn Trương Ba, da hàng thịt” ảnh 1
Bánh kẹo kiểu "vỏ một đằng, ruột hai nẻo" được bày bán nhan nhản. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bản thân hiệu trưởng trường mầm non Phương Liệt, cô Hoàng Thu Hương cũng tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin Vietnam+ cung cấp. Cô Hương cho hay: “Bánh mỳ ruốc là phần ăn nhẹ bữa chiều cho khoảng 400 cháu học tại đây. Từ trước, trường cũng chỉ lấy bánh mỳ loại này của Hữu Nghị.” Tuy nhiên, cô Hương cũng khẳng định sẽ tìm hiểu và kiểm tra lại nhằm tránh tình trạng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng trà trộn đánh lận “con đen.”
Hồn Trương Ba, da Hàng thịt
Không chỉ phù phép sản phẩm “ra đời” trước ngày sản xuất, những đối tượng làm giả loại mặt hàng này còn “mạnh dạn” hơn khi thay “xác,” đổi “hồn” cho bánh kẹo. Chị T. (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) là một nạn nhân của trò lừa đảo này. Chị cho hay, vào khoảng đầu tháng 1, chị tham dự một giá đồng trên đền Chợ Gạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại đây, toàn bộ lễ cho giá đồng đều được người trong đền chuẩn bị trước hết. “Trong túi lộc được chia, có một hộp bánh nhãn hiệu Asean Butter Cookies. Về tới nhà bóc ra thì  không hiểu nổi đây là loại bánh gì, nhái đến mức thô sơ và cẩu thả,” chị T. chia sẻ. Cụ thể, mặc dù vỏ ngoài của hộp này in hình bánh quy cùng rất nhiều chữ nước ngoài , nhà sản xuất là  Toneco tại khu công nghiệp Bình Dương, nhưng bên trong lại chỉ có 2 túi bánh kem xốp ghi rõ tên sản phẩm  của Thanh Hải, Nam Định kèm theo là dòng chữ Trung Quốc, Hàn Quốc gì đó trên bao bì. “Nực cười hơn, khi tiếp tục bóc ra, lớp trong cùng lại là… bánh bích quy,” chị T. cho hay. Điều đáng nói hơn nữa, trên vỏ hộp của sản phẩm này còn có dòng chữ: Hình chỉ có tính minh họa. “Đến đây thì tôi đành chịu chết vì không hiểu vỏ hộp minh họa hay chất lượng sản phẩm chỉ có tính minh họa nữa,” chị T. châm biếm. Tiến hành khảo sát nhanh tại các cửa hàng, đại lý bánh kẹo, loại sản phẩm này được bày bán khá phổ biến và công khai. Giá bán của sản phẩm cũng mềm hơn rất nhiều sản phẩm chính hãng, cùng tên của Đan Mạch sản xuất từ 4-5 lần. Chủ một đại lý trên phố Ngõ Gạch cho hay, loại bánh mang tên Asean này được người dân rất ưu chuộng vì giá thành rẻ, bề ngoài lại bắt mắt. Đại diện đội quản lý thị trường số 18, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, trước đây đã khá nhiều lần đơn vị này bắt giữ được các loại bánh “hồn Trương Ba, da hàng thịt” như vậy. “Đa số các loại bánh này có nguồn gốc xuất sứ không rõ ràng, được đóng bao bì lại để bán một cách nhỏ lẻ ra ngoài thị trường,” vị đại diện này cho hay. Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 11 khi tiếp nhận thông tin của Vietnam+ cũng khẳng định sẽ tiến hành rà soát và kiểm tra để tránh tình trạng tiểu thương treo đầu dê bán thịt chó nhằm trục lợi dịp Tết Nguyên đán sắp tới./.
Theo Nghị định số 08/2013/NĐ-CP vừa ban hành của Chính phủ, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm như sau: Phạt từ 100 nghìn đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả, xử phạt từ 200 nghìn đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi sản xuất hàng giả. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2013.

Nghị định quy định rõ, hàng giả là các loại hàng không có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên hoặc như đã đăng ký; hàng hóa có hàm lượng, định lượng chất chính thấp dưới 70% so với tiêu chuẩn; thuốc phòng bệnh cho người và vật nuôi không có dược chất hoặc hàm lượng thấp so với đăng ký; thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàng giả mạo về nhãn hàng hóa, bao bì như giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số đăng ký, tem, nhãn, địa chỉ... 
PV/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục