Báo Đức: Thế giới đang bước vào kỷ nguyên khan hiếm

Theo báo Die Welt của Đức, với tình trạng thiếu năng lượng, thiếu lương thực, thiếu tài nguyên và vi mạch điện tử, thế giới đang trải qua một hiện tượng mới đối với nhiều người.
Báo Đức: Thế giới đang bước vào kỷ nguyên khan hiếm ảnh 1Thu hoạch ngũ cốc tại Ukraine. (Ảnh: Ukrinform/TTXVN)

Báo Die Welt của Đức vừa có bài viết nhận định với tình trạng thiếu năng lượng, thiếu lương thực, thiếu tài nguyên và vi mạch điện tử, thế giới đang trải qua một hiện tượng mới đối với nhiều người.

Theo báo này, giá cả gia tăng, nhiều ngành sản xuất đình trệ và nạn đói đe dọa Nam bán cầu.

Nhiều chính trị gia nói rằng nguyên nhân là do hậu quả của đại dịch và cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhưng thực chất những yếu tố đó chỉ làm cho cuộc khủng hoảng hiện tại đến sớm hơn mà thôi.

Báo Die Welt cho rằng nguyên nhân của nó mang tính chất toàn cầu và lý do chính là sự kết thúc kỷ nguyên sản xuất giá rẻ. Trong 30 năm gần đây, trên thế giới ngự trị hoàn cảnh thuận lợi để phát triển công nghiệp: cơ cấu dân số theo độ tuổi chủ yếu là lớp người có khả năng lao động, tài nguyên và năng lượng rẻ.

Ngoài ra, tiến trình tự do hóa thương mại, sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới chính là động lực mạnh mẽ tiếp sức cho sự phát triển kinh tế...

[20 điểm nóng về mất an ninh lương thực trên thế giới]

Tuy nhiên, những động lực tăng trưởng đó đang bắt đầu giảm sút. Theo chuyên gia kinh tế Thies Petersen, tình trạng già hóa dân số đã lên tới mức đáng chú ý ở châu Âu và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn. Một vấn đề khác là thiếu nguồn lực, cũng như tiến trình toàn cầu hóa đảo ngược nảy sinh do đại dịch COVID-19.

Theo chuyên gia Gabriel Febermeier, hiện nay người ta không còn nói đến thương mại tự do toàn cầu nữa. Ông lưu ý rằng ngay cả Liên minh châu Âu (EU) trong những năm gần đây cũng áp dụng các biện pháp bảo hộ ngày càng nhiều.

Gần đây, nhiều nhà kinh tế cũng thừa nhận nguyên liệu thô khoáng chất, kim loại và hóa thạch chỉ có sẵn với số lượng hạn chế trên thế giới và không thể tự tái tạo. Sự gia tăng dân số và nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng đang dẫn đến sự khan hiếm tài nguyên với những hậu quả sâu rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục