Bầu cử Mỹ: Những thay đổi trong mối quan hệ với Canada

Một số vấn đề quan trọng như lạm phát, môi trường, đường ống dẫn dầu, du lịch... sẽ là trọng tâm của mối quan hệ Canada-Mỹ trong tương lai, bất kể đảng nào nắm quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ.
Bầu cử Mỹ: Những thay đổi trong mối quan hệ với Canada ảnh 1Giới quan sát cho rằng cuộc bầu cử này sẽ không tác động mạnh đến quan hệ giữa Canada và Mỹ.(Nguồn: AP)

Trong khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ có thể thay đổi cục diện chính trị ở Washington, giới quan sát cho rằng cuộc bầu cử này sẽ không tác động mạnh đến quan hệ giữa Canada và Mỹ.

Ông Chris Sands, người đứng đầu Viện Canada tại Trung tâm Wilson (một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington) nhận định rằng trên thực tế không có sự chia rẽ đảng phái đối với mối quan hệ với Canada.

Một số vấn đề quan trọng như lạm phát, môi trường, đường ống dẫn dầu, du lịch... sẽ là trọng tâm của mối quan hệ Canada-Mỹ trong tương lai, bất kể đảng nào nắm quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ.

[Mỹ, Canada tập trung thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước]

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, giống như Canada, Mỹ đang phải vật lộn với lạm phát cao kỷ lục trong năm qua.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chi phí sinh hoạt là ưu tiên hàng đầu của các cử tri Mỹ.

Các ngân hàng trung ương ở cả hai nước đã tăng lãi suất trong những tháng gần đây, nhằm cố gắng kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, những đợt tăng lãi suất này cũng đang làm chậm lại hoạt động kinh tế, khiến nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ có cuộc suy thoái vào năm 2023.

Do mối quan hệ gắn bó giữa hai nền kinh tế của Mỹ và Canada, sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế sẽ rất quan trọng trong những năm tới.

Mỹ mới đây đã thông qua Đạo luật giảm lạm phát, chi hàng trăm triệu USD để khởi động một ngành công nghiệp nội địa mới sản xuất linh kiện cho pin xe điện.

Nhưng ngành công nghiệp này sẽ yêu cầu tiếp cận với một số khoáng sản quan trọng và có thể thu hút đầu tư vào ngành khai khoáng của Canada.

Ottawa đã cam kết 3,8 tỷ CAD (khoảng 2,83 tỷ USD) trong ngân sách để phát triển một chiến lược khoáng sản quan trọng.

Nếu Canada có thể thúc đẩy chiến lược khoáng sản này, đó sẽ là một ví dụ về cách Ottawa hợp tác với Washington, tham gia gói chi tiêu sắp tới.

Một phần quan trọng khác của Đạo luật giảm lạm phát là các khoản đầu tư khổng lồ của Mỹ vào các chương trình chống biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới - bao gồm các ưu đãi để thúc đẩy năng lượng sạch mà Ottawa coi là mối đe dọa đối với hoạt động đầu tư trong tương lai ở Canada.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mùa Thu, Chính phủ Canada đã đề xuất 2 khoản miễn giảm thuế trong lĩnh vực năng lượng sạch, nhằm "bắt kịp" các gói trợ cấp của Mỹ và đảm bảo để các doanh nghiệp Canada duy trì được năng lực cạnh tranh.

Một số nhà phân tích cho rằng nếu đảng Cộng hòa giành được nhiều ảnh hưởng hơn trong Quốc hội Mỹ, đảng này có thể sẽ thúc đẩy những thay đổi đối với Đạo luật giảm lạm phát.

Một vấn đề nóng khác giữa Washington và Ottawa trong những năm gần đây là các dự án đường ống dầu xuyên biên giới.

Tổng thống Biden ngay sau khi nhậm chức đã quyết định "khai tử" đường ống Keystone XL - có khả năng vận chuyển 830.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ  tỉnh Alberta (Canada) đến Mỹ.

Ngay cả khi đảng Cộng hòa - vốn ủng hộ dự án - nắm quyền kiểm soát Hạ viện, khả năng "hồi sinh" của Keystone được đánh giá là khá thấp.

Nhưng nếu Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể sẽ xem xét lại quy trình phê duyệt các đường ống dẫn dầu và các dự án cơ sở hạ tầng khác ở Mỹ.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định mối quan hệ giữa Canada và Mỹ nhìn chung sẽ không thay đổi bất kể kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ của Mỹ như thế nào.

Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh dù kết quả bầu cử thế nào, ông cũng có kế hoạch làm việc với nước láng giềng phía Nam để “tạo việc làm,” thúc đẩy “tăng trưởng kinh tế” và “mang lại lợi ích cho người dân ở cả hai bên biên giới”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục