Bê bối khí thải tại Mỹ "lây lan" sang hãng xe Fiar Chrysler

Sau Volkswagen, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ tiếp tục cáo buộc một "ông lớn" khác trong ngành sản xuất xe hơi là Fiat Chrysler cài đặt phần mềm gian lận khí thải cho khoảng 104.000 xe của hãng này.
Bê bối khí thải tại Mỹ "lây lan" sang hãng xe Fiar Chrysler ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Chỉ vài ngày sau khi đạt được thỏa thuận trong vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) tiếp tục cáo buộc một "ông lớn" khác trong ngành sản xuất xe hơi là Fiat Chrysler (FCA) cài đặt phần mềm gian lận khí thải cho khoảng 104.000 xe của hãng này, vi phạm Đạo luật Không khí sạch của Mỹ.

Theo tuyên bố chính thức ngày 12/1 của EPA, kiểm tra các xe động cơ diesel dung tích 3 lít, phiên bản 2014 và 2016 của các dòng xe Grand Cherokees và Dodge Ram 1500 bán tại Mỹ, các chuyên gia của EPA đã phát hiện thấy ít nhất 8 phần mềm cài đặt bí mật bên trong, cho phép các xe này tự điều chỉnh lượng khí thải nitrogen oxide hay còn gọi là NOx ra môi trường. Theo đó, trong điều kiện hoạt động bình thường, các xe này thải ra khối lượng NOx lớn hơn so với khi kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Bà Cynthia Giles, thuộc Văn phòng Đảm bảo thi hành và tuân thủ luật pháp của EPA, cho biết cơ quan này vẫn đang điều tra nghi vấn trên. Bà khẳng định việc FCA từ chối thông báo về sự tồn tại của những thiết bị như vậy rõ ràng là "một sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng." 

Trong phản ứng ngay sau đó, FCA bác bỏ cáo buộc và cam kết hợp tác với chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump để giải quyết vấn đề này "một cách công bằng." Giám đốc FCA Sergio Marchionne cho biết các thiết bị trên không phải phần mềm gian lận mà là các thiết bị hỗ trợ kiểm soát khí thải. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận thiếu sót khi không thông báo cho cơ quan chức năng về các thiết bị trên. FCA cam kết hãng này sẽ sớm công bố một bộ phần mềm giúp giải quyết tất cả các quan ngại của chính phủ.

Trước đó, hôm 10/1, hãng sản xuất ôtô Volkswagen của Đức thông báo đã đạt được "dự thảo thỏa thuận cụ thể" với các cơ quan chức năng Mỹ về việc chi thêm 4,3 tỷ USD tiền phạt, đồng thời sẽ đồng ý nhận tội đối với các các buộc hình sự trong vụ bê bối gian lận khí thải liên quan đến 11 triệu xe do hãng này sản xuất trên toàn cầu, trong đó có 600.000 xe được bán tại Mỹ. Hãng này thừa nhận nhiều dòng xe được quảng cáo là thân thiện với môi trường đã được bí mật lắp các thiết bị gian lận để che giấu mức khí thải gây ô nhiễm môi trường cao hơn quy định.

Trong một diễn biến khác, một nguồn tin giấu tên ngày 12/1 cho biết Takata - hãng cung cấp phụ tùng ôtô của Nhật Bản - đã chấp nhận trả 1 tỷ USD trong một vụ dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ để giải quyết bê bối lỗi túi khí đã làm ít nhất 16 người thiệt mạng trên toàn thế giới. Thỏa thuận trên bao gồm 25 triệu USD tiền phạt, 125 triệu USD bồi thường cho người mua xe và 850 triệu USD bồi thường cho các hãng sản xuất ôtô gặp rắc rối do sản phẩm của Takata, trong đó bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Honda Motor, Ford Motor, General Motors, Toyota Motor, Volkswagen, Fiat Chrysler.

Takata, một trong những nhà cung cấp phụ tùng ôtô lớn nhất thế giới, thừa nhận những túi khí có nguy cơ phát nổ khi được bơm phồng, làm bắn các mảnh kim loại vào những người trên xe, gây ra thương vong. Cho tới nay, tại Mỹ, đã có 11 trường hợp tử vong và và gần 100 người bị thương liên quan đến lỗi kỹ thuật của túi khí Takata./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục