Bé gái ​từ chối tảo hôn khơi dậy phong trào phản đối trên Twitter

Những người biểu tình Ấn Độ đang tìm tới Twitter để chia sẻ hashtag #StrengthtoSayNo được lấy cảm hứng từ một cô gái Ấn Độ tên là Rekha Kalindi, như một phần của chiến dịch chống lại nạn tảo hôn.
Bé gái ​từ chối tảo hôn khơi dậy phong trào phản đối trên Twitter ảnh 1Chiến dịch chống tảo hôn ở Ấn Độ đang ngày càng được đẩy mạnh (Nguồn: Daily Mail)

Những người biểu tình Ấn Độ đang tìm tới mạng xã hội Twitter để chia sẻ hashtag #StrengthtoSayNo (tạm dịch: Sức mạnh để nói Không) như một phần của chiến dịch chống lại nạn tảo hôn.

Được Penguin Books liên kết với trang tin điện tử Better India tổ chức, chiến dịch này nhắm tới việc nâng cao nhận thức về tập tục ép tảo hôn hết sức phổ biến tại Ấn Độ, nơi có tới 1/5 số cô dâu kết hôn ở độ tuổi dưới 15.

Hashtag này được lấy cảm hứng từ một cô gái Ấn Độ tên là Rekha Kalindi, giờ đã 18 tuổi. Vào năm 11 tuổi, em đã bị sắp đặt phải kết hôn và được cho là đã bị chính mẹ đẻ của mình đánh đập và bỏ đói vì từ chối cuộc hôn nhân này.

Rekha đã xuất bản cuốn hồi ký của mình có tên là "Strength to Say No," cho biết từ năm 4 tuổi em đã phải làm việc để phụ giúp cho gia đình.

Gia đình em từng sinh sống tại một ngôi làng hẻo lảnh, nơi mà theo tổ chức từ thiện vì quyền trẻ em Humanium, "mỗi bé gái sinh ra là một tin dữ."

May mắn thay, Dự án Lao động Trẻ em Quốc gia đã kết hợp với UNICEF để tài trợ cho Rekha được tới trường học, nơi em được độc lập ở một mức độ nào đó.

Vào năm 2008, ở tuổi 11, khi phải đối mặt với một cuộc hôn nhân sắp đặt, Rekha đã từ chối. Người chị 12 tuổi của em khi đó đã kết hôn và đã phải trải qua 4 lần mang thai chết lưu.

Ở trường, Rekha đã thuyết trình những bài nói chuyện về việc từ chối đi theo con đường của chị mình, từ đó thu hút được sự chú ý của các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng quan điểm của em lại không hề được chào đón ở quê nhà.

"Mẹ của Rekha đã đánh đập em không nương tay, cấm em không được quay trở lại trường và không cho em ăn," tổ chức từ thiện vì quyền trẻ em Humanium cho biết.

Rekha đã mô tả những hành động của mẹ mình trong cuốn hồi ký: "Mẹ tôi nắm lấy tóc tôi và không ngừng đánh tôi. Tôi cố gắng chạy, nhưng mẹ giữ chặt tôi bằng một tay, còn tay kia cầm gậy."

"Tôi khóc lóc, gào thét, nhưng chẳng ai can thiệp. Sau vài phút, mẹ dừng lại. Tôi cứ nằm đó trên nền nhà, run rẩy vì sợ rằng mẹ sẽ lại tiếp tục đánh tôi."

Với sự can thiệp của một giáo viên và trợ lý Bộ trưởng Bộ Lao động, Rekha đã được giải phóng khỏi cuộc hôn nhân, được trở lại trường học và hiện đang viết những bài phát biểu về lao động trẻ em, tầm quan trọng của giáo dục và về những cuộc hôn nhân sắp đặt.

Penguin đã đăng một tweet vào tháng trước như sau: "Rekha Kalindi đã nói không với tảo hôn và truyền cảm hứng cho cả nước làm theo."

Sau đó, hashtag #StrengthtoSayNo đã ra đời, kêu gọi những người khác cùng góp sức vì mục tiêu chung. Rất nhiều người đã chia sẻ những bức ảnh chụp chính mình cầm những tấm bìa ghi nhiều thông điệp đáng chú ý trên trang Twitter của họ.

"Hôn nhân là sự lựa chọn của cá nhân. Đừng ép trẻ em phải phục tùng," một tấm bìa viết. Một người khác lại đưa ra những số liệu xác thực và đáng báo động: "Bởi 1/5 các cô dâu Ấn Độ là trẻ em."

Bé gái ​từ chối tảo hôn khơi dậy phong trào phản đối trên Twitter ảnh 2
 

Phong trào này đặc biệt có ảnh hưởng đối với phụ nữ, trong số đó có một người phụ nữ Ấn Độ đã viết: "Như Maya Angelou đã nói: ‘Tôi đã là một phụ nữ từ rất lâu rồi. Sẽ thật ngu ngốc nếu tôi không đứng về phía những người giống như tôi.’ Một người khác lại chia sẻ những lo sợ về sự an toàn của chính mình: Tôi vẫn không thể đi bộ một mình sau 10 giờ tối ở Ấn Độ."

Một người phụ nữ khác lại viết một cách đơn giản nhưng rất mạnh mẽ: "Tôi có sức mạnh để nói Không vì đó là cuộc đời của tôi!"

Rất nhiều người đã nhấn mạnh rằng trẻ em cần phải được có tuổi thơ. "Hôn nhân được kết hợp trên thiên đường, đừng biến nó thành địa ngục dưới trần gian đối với trẻ em," một bài viết được đăng tải.

Một người khác lại liên hệ với một chương trình TV nổi tiếng ở Ấn Độ để bày tỏ quan điểm: "Vì tuổi thơ chỉ có thể chơi 'ghar-ghar' như một trò chơi chứ không thể coi đó là lối sống."

Một người dùng Twitter cũng đã đặt ra một câu hỏi đáng suy ngẫm: "Khi một người đàn ông ép buộc vợ của mình, mối quan hệ hôn nhân có làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của tội bạo hành hay không?"

Theo số liệu từ TrustLaw, một dịch vụ tin tức do Thomson Reuters quản lý, sau khi hỏi ý kiến các chuyên gia trên toàn cầu về vấn đề này, Ấn Độ đứng vào hàng ngũ những nước tồi tệ nhất trên thế giới đối với phụ nữ.

Gulshun Rehman đến từ Save the Children UK đã chia sẻ với Trust Women: "Ở Ấn Độ, phụ nữ và trẻ em gái vẫn bị bán như nô lệ, bị gả đi khi chỉ mới lên 10, bị thiêu sống vì những tranh chấp liên quan tới của hồi môn, và bị khai thác cũng như bạo hành với tư cách những lao động nô lệ."

#StrengtoSayNo từ đó đã thu hút được nhiều người dùng Twitter cất lên tiếng nói về những vấn đề khác của Ấn Độ, trong số đó có nạn kỳ thị người đồng tính, người mắc bệnh tâm lý, và những vụ việc giết người vì danh dự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục