Bệnh viêm khớp ngày càng phổ biến tại Việt Nam

Tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh khớp đang ngày càng gia tăng và phổ biến, đặc biệt là những người ở tuổi trung niên và tuổi già.
Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh khớp đang ngày càng gia tăng và phổ biến, đặc biệt là những người ở tuổi trung niên và tuổi già.

Bệnh nặng vì thiếu hiểu biết

Theo bác sỹ Nguyễn Mai Hồng, Phó khoa Cơ Xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, một trong số những nguy cơ gây đau ở bệnh thoái hóa khớp và xảy ra rộng là do sự thay đổi thời tiết.

Bệnh xương khớp là nhóm bệnh gần như gắn liền với hệ thống miễn dịch của cơ thể, bệnh nhân thường rất nhạy cảm với sự thay đổi khí hậu, thời tiết. Thông thường, khí hậu ở Việt Nam dù nóng hay lạnh đều có độ ẩm khá cao so với các nước vùng ôn đới, áp suất không khí cao là những yếu tố khiến bệnh khớp trở thành căn bệnh phổ biến.

“Bệnh trở nên trầm trọng hơn do sự hiểu biết không đúng của người bệnh. Một số bệnh nhân khi đã được chẩn đoán bệnh thì thường có xu hướng lạm dụng thuốc, gây ra rất nhiều tai biến do các tác dụng phụ như chảy máu và thủng dạ dày, tăng huyết áp, dễ nhiễm khuẩn, tăng đường trong máu, loãng xương, suy tuyến thượng thận (dẫn đến tử vong). Do vậy, người bệnh tuyệt đối không tự mua thuốc thuộc nhóm này để dùng mà phải theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc,” bác sĩ Nguyễn Mai Hồng khuyến cáo.

Giáo sư Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Xương khớp Việt Nam cũng cho hay, nhiều bệnh nhân thường uống thuốc nam, thuốc Đông y trong thời gian rất dài vì cho rằng uống thuốc này sẽ mát cho cơ thể.

Trong khi đó, thực tế có nhiều loại thuốc nam không đạt tiêu chuẩn, thuốc bị trộn nhiều thuốc tây có chứa corticoid khiến không ít bệnh nhân phù nề, suy giảm sức khỏe. Ngoài ra, bệnh nhân nên lưu ý, các loại thực phẩm chức năng như Luxy Samin, Glucosamine… chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị chứ không phải là thuốc đặc trị các bệnh về khớp.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Khi bệnh nhân có một số biểu hiện viêm, sưng nóng và đau khớp như khớp cổ tay, khớp cổ chân, khớp đầu gối... cần đến các cơ sở chuyên khoa khớp để được khám và có phương pháp điều trị đúng và lâu dài.

Cách điều trị có thể không dùng đến thuốc hoặc có thể dùng đến một số thuốc thông thường như Acetaminophen (paracetamol) hoặc thuốc giảm đau bôi ngoài da, thuốc kháng viêm không steroid như BNalgesin, diclofenac, nhóm oxicams, nhóm coxibs, có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm.

Corticoid là loại thuốc có tác dụng chống viêm mạnh, nhanh và được bác sĩ chỉ định sử dụng trong những trường hợp đặc biệt. Theo các chuyên gia y tế, bệnh viêm khớp không thể nói là chữa khỏi hoàn toàn, song nếu điều trị sớm và đúng cách sẽ mang lại kết quả rất tốt, có thể phòng tránh dính khớp, biến dạng khớp. Người bệnh có thể có chất lượng cuộc sống gần như bình thường.

Việc điều trị đòi hỏi phải kiên trì. Tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh mà bác sĩ sẽ thay đổi liều thuốc và hướng dẫn chế độ luyện tập phù hợp. Do đó, việc tái khám hết sức quan trọng. Khi một khớp bị tổn thương nặng, gây đau nhiều và kéo dài... ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh, có thể thay khớp nhân tạo.

Để việc điều trị bệnh viêm khớp hiệu quả, cách tốt nhất là tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Giảm cân cũng là yếu tố quan trọng bởi điều đó sẽ giảm áp lực cho khớp.

Các loại trái cây như đu đủ, dứa, chanh, bưởi rất tốt vì có tác dụng kháng viêm. Tránh đồ uống có cồn hoặc những thực phẩm làm tăng mỡ máu, có hàm lượng purin cao. Cá trích, gan cũng cần được tiết giảm tối đa trong các bữa ăn...

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục