Bỉ: Kinh doanh bị đình trệ do các cuộc biểu tình

Ngày 4/3, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Bỉ khiến giao thông và hoạt động của ngành kinh doanh trên toàn nước này bị đình trệ.
Ngày 4/3, các nghiệp đoàn tự do và xã hội của Bỉ đã tổ chức các cuộc biểu tình trong Ngày Hành động, đòi trả lương cao hơn và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân thuộc khu vực tư nhân. Cuộc biểu tình cũng đã lan sang cả khu vực công.

Theo trang tin Flandersnews, hai nghiệp đoàn trên cho rằng bản dự thảo một hiệp ước nghề nghiệp mới (IPA) có những quy định không hợp lý về vấn đề tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Trong khi đó, nghiệp đoàn Cơ đốc giáo không tán thành các cuộc biểu tình này.

Thủ tướng tạm quyền của Bỉ Yves Leterme đã nói rõ chính phủ sẽ hợp thức hóa hiệp ước này bất chấp sự phản đối của các nghiệp đoàn.

Trên toàn nước Bỉ, những người ủng hộ hai nghiệp đoàn trên đã tổ chức tuần hành phản đối IPA. Cuộc diễu hành thu hút đông đảo người ủng hộ nhất diễn ra tại thủ đô Brussels, bên ngoài Ngân hàng trung ương của Bỉ. Các cuộc tuần hành phản đối cũng được tổ chức tại những thành phố như Ghent, Antwerp, Kortrijk (West Flanders) và Turnhout.

Cuộc biểu tình đã khiến giao thông và hoạt động của ngành kinh doanh trên toàn nước Bỉ bị đình trệ.

Tại Brussels, các dịch vụ giao thông công cộng bằng xe buýt và tàu điện của công ty vận tải địa phương MIVB đã bị tác động nghiêm trọng, MIVB chỉ ưu tiên một số tuyến xe buýt quan trọng nhất.

Tại Antwerp chỉ có một nửa số xe buýt hoạt động. Giao thông tại các thành phố ở phía đông vùng của cộng đồng nói tiếng Hà Lan như Ghent, Aalst và St Niklaas cũng bị gián đoạn. Tại nhiều thành phố phía tây vùng này, trên thực tế không có xe buýt hoạt động.

Một loạt công ty đã phải đóng cửa do nhân viên không đi làm.

Chủ tịch nghiệp đoàn xã hội Rudy De Leeuw nói với các phóng viên: “Nếu yêu sách của chúng tôi về việc tăng lương không được đáp ứng, chúng tôi sẽ tăng cường các cuộc biểu tình phản đối.”

Trước đó, Thủ tướng Leterme phát biểu với kênh truyền hình VRT: “Các nghiệp đoán có quyền phản đối, nhưng chính phủ có trách nhiệm đối với sự tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường lao động và các mối quan hệ trong kinh doanh.”

Tâm lý bất mãn cũng ngày gia tăng về các kế hoạch quản lý nền kinh tế của châu Âu, giới công nhân Bỉ cho biết họ có kế hoạch phong tỏa tất cả các ngả đường vào Brussels và làm tê liệt thành phố thủ đô của châu Âu này trong nỗ lực nhằm ngăn cản hội nghị thượng đỉnh châu Âu, họp vào ngày 24/3. Nghiệp đoàn CGT nhiều thế lực của Pháp cho biết họ đang xem xét việc tham gia kế hoạch này.

Tổng liên đoàn công nhân của Bỉ (FGTB) cho biết họ dự định đặt chướng ngại vật chặn các ngả đường vào thành phố, đóng cửa các nhà ga tàu hỏa, ngừng mọi hoạt động của tàu điện và tàu điện ngầm, và thậm chí đóng cửa sân bay Brussels./.

Thái Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục