Các điểm du lịch vùng biên Quảng Ninh ngày càng hút du khách

Lượng khách du lịch đổ về các địa phương vùng biên giới của tỉnh Quảng Ninh tăng kỷ lục trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cho thấy du lịch trải nghiệm vùng biên đang ngày càng hấp dẫn du khách.
Các điểm du lịch vùng biên Quảng Ninh ngày càng hút du khách ảnh 1Khách du lịch quốc tế đến với thành phố Móng Cái. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Lượng khách du lịch đổ về các địa phương vùng biên giới của tỉnh Quảng Ninh tăng kỷ lục trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua cho thấy du lịch trải nghiệm vùng biên giới đang ngày càng hấp dẫn du khách.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, thành phố vùng biên Móng Cái đón tới hơn 36.000 lượt khách (tăng 64% so với cùng kỳ); huyện vùng cao biên giới Bình Liêu đón tới gần 3 ngàn lượt khách du lịch (bằng 10% của cả năm 2015)…

Anh Đỗ Ngọc, khách du lịch từ thành phố Hạ Long cho hay sự độc đáo về văn hóa các dân tộc cộng với sự hoang sơ của rừng núi vùng biên là điểm hấp dẫn nhất đã lôi cuốn anh đến nơi đây nhiều lần.

Bên cạnh xu hướng du lịch trải nghiệm của du khách đang phát triển, sự vào cuộc của chính quyền địa phương vùng cao, cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng khách du lịch tới các địa phương này gia tăng.

Từ năm 2015, thành phố Móng Cái và huyện Bình Liêu xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và tập trung nguồn lực để đầu tư cho du lịch.

Bí thư Thành ủy Móng Cái Nguyễn Xuân Ký cho biết để đa dạng các sản phẩm du lịch vùng biên, thành phố đã mạnh dạn đầu tư, đưa thêm nhiều sản phẩm du lịch mới vào thí điểm thực hiện như du lịch trải nghiệm vùng cao Bắc Sơn, Hải Sơn; du lịch nghỉ dưỡng hải đảo Vĩnh Thực, kết nối các tour, tuyến với du lịch Đông Hưng, thành phố Cảng Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc…

Trước đó, thành phố Móng Cái khai trương tuyến phố đi bộ, khu phố ẩm thực, khai trương cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ...

Với 3 tuyến, 12 điểm du lịch, thành phố Móng Cái tạo ra sản phẩm du lịch mang đặc trưng của thành phố vùng biên sầm uất thương mại với vẻ đẹp của biển đảo tiền tiêu.

Một loạt các bãi biển Trà Cổ, Bình Ngọc, Vĩnh Thực được quy hoạch, nâng cấp, đồng thời củng cố hệ thống lưu trú đạt chuẩn, nâng cao các lựa chọn ẩm thực, cải cách quy trình cấp thị thực, giấy thông hành.

Du lịch nghỉ dưỡng tại hai xã đảo Vĩnh Thực, Vĩnh Trung và du lịch trải nghiệm vùng biên Hải Sơn, Bắc Sơn đang khởi động và bước đầu tạo những dấu ấn tích cực đối với du khách và nhà đầu tư. Thành phố Móng Cái kỳ vọng sẽ đón 1,2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2016 (vượt 200.000 khách so với năm trước).

Ở huyện vùng cao, biên giới Bình Liêu, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban chấp hành Đảng bộ huyện nhất trí cao và ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội.

Mới đây, Bình Liêu đã công bố 3 tuyến và 7 điểm du lịch gồm tuyến 1: thị trấn Bình Liêu-xã Húc Động (thác Khe Vằn)-xã Đồng Văn-cửa khẩu Hoành Mô; tuyến 2: thị trấn Bình Liêu-đình Lục Nà-cửa khẩu Hoành Mô-Đồng Văn; tuyến 3: thị trấn Bình Liêu-đường tuần tra biên giới khu vực cột mốc biên giới 1300- 1327.

Tại điểm du lịch sinh thái thác Khe Vằn, xã Húc Động (Bình Liêu), trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua đã đón gần 2.000 lượt du khách, chủ yếu là khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng. Một số điểm du lịch khác tại Bình Liêu như đỉnh núi Cao Xiêm và đỉnh núi Cao Ba Lanh (cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển) thu hút đông đảo du khách đến khám phá.

Du lịch thực sự đang trở thành lĩnh vực hấp dẫn các doanh nghiệp và người dân các địa phương vùng biên của tỉnh Quảng Ninh. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ka Long đã đầu tư nhiều tỷ đồng để trang bị hệ thống tàu, canô du lịch, xe điện, cải tạo cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho du lịch vùng hải đảo…

Đồng bào dân tộc ở Bình Liêu đã biết mang sản vật của núi rừng như rượu men lá, các món ăn của đồng bào như cá suối, thịt ngan đen, trứng vịt bản, măng rừng…để giới thiệu cũng như phục vụ du khách.

Ông Mai Vũ Tuấn-Bí thư Huyện ủy Bình Liêu cho hay Bình Liêu đã phục dựng những lễ nghi truyền thống như lễ hội hát Sóong cọ của người Sán Chỉ; lễ ăn cơm mới của người Tày, lễ cấp sắc của người Dao… không chỉ góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống mà còn tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách, từ đó đồng bào dân tộc nơi đây có cơ hội làm kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục