Các nước Tây Phi kêu gọi quốc tế viện trợ sau đại dịch Ebola

EU đã tổ chức hội nghị quốc tế về phòng chống dịch bệnh Ebola, kêu gọi cùng phối hợp hành động nhằm tái thiết các nền kinh tế tại vùng tâm dịch Tây Phi.
Các nước Tây Phi kêu gọi quốc tế viện trợ sau đại dịch Ebola ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: nbcnews.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, ngày 3/3, tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức hội nghị quốc tế về phòng chống dịch bệnh Ebola.

Với chủ đề "Từ viện trợ khẩn cấp tới hỗ trợ phục hồi," hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 600 quan chức, trong đó có Tổng thống của 3 quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh này là Guinea, Liberia và Siera Leone.

Mục đích của hội nghị là cùng phối hợp hành động nhằm tái thiết các nền kinh tế tại vùng tâm dịch Tây Phi sau khi đã khống chế dịch bệnh thành công, cùng những kế hoạch phản ứng mới với dịch Ebola trong dài hạn.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Liberia, Ellen Jonhson Sirleaf, nhấn mạnh dịch bệnh Ebola đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế các quốc gia Tây Phi nên cần phải có kế hoạch và chiến lược phục hồi.

Bà Sirleaf đề xuất thiết lập "Kế hoạch Mashall," giống kế hoạch chấn hưng kinh tế châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai do Mỹ tiến hành, nhằm giúp các quốc gia Tây Phi phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Ebola.

Theo Tổng thống Guinea, Alpha Condé, Liberia, Sierra Leone và Guinea sẽ trình bày kế hoạch chung về phòng chống Ebola tại một hội nghị quốc tế do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng tổ chức vào tháng Tư tới.

Tổng thống Guinea cũng kêu gọi các nhà tài trợ giải ngân các khoản viện trợ cam kết nhằm giúp các quốc gia Tây Phi có nguồn lực để phục hồi nền kinh tế.

Về phần mình, Tổng thống Sierra Leone, Ernest Bai Koroma cho rằng cả 3 quốc gia Tây Phi này cũng cần được hỗ trợ để tái thiết nhanh chóng các dịch vụ xã hội, đặc biệt về y tế và giáo dục.

Hiện các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết 4,9 tỷ euro chống dịch bệnh Ebola trong đó 2,4 tỷ euro đã được giải ngân.

IMF cũng vừa thông báo tăng tín dụng và giảm nợ cho Sierra Leone với số tiền 187 triệu USD để quốc gia này có điều kiện phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, theo đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về dịch bệnh Ebola, David Nabarro, trong tổng số 1,5 tỷ USD mà Liên hợp quốc phải huy động trong năm 2015 để đẩy lùi dịch bệnh Ebola, hiện mới có 600 triệu USD do các chính phủ đóng góp. Để mau chóng dập tắt dịch bệnh, Liên hợp quốc ước tính cần ngay khoảng 400 triệu USD.

Theo thống kê, dịch bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 9.700 người tại khu vực Tây Phi kể từ khi bùng phát vào đầu năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục