Thảo dược trong Đông y có khả năng ngăn chặn virus Ebola

Một loại thảo dược trong Đông y có thể giúp ngăn chặn quá trình nhiễm khuẩn Ebola bằng cách không cho loại virus nguy hiểm này xâm nhập vào tế bào cơ thể người.
Thảo dược trong Đông y có khả năng ngăn chặn virus Ebola ảnh 1Thử một loại vắcxin chống ebola cho một tình nguyện viên. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một loại thảo dược trong Đông y có thể giúp ngăn chặn quá trình nhiễm khuẩn Ebola bằng cách không cho loại virus  nguy hiểm này xâm nhập vào tế bào cơ thể người.
Theo báo cáo công bố ngày 26/2 trên tạp chí Khoa học của Mỹ, Tetrandrine - một hoạt chất thường được tìm thấy một loại cây thuốc sử dụng phổ biến trong Đông y tên gọi là phòng kỷ, đã cho thấy hiệu quả trong thử nghiệm điều trị Ebola trên chuột.
Virus Ebola xâm nhập vào cơ thể người trước tiên bằng cách bám vào protein trên bề mặt tế bào, sau đó theo các protein này đi vào trong tế bào và di chuyển trong môi trường nội bào để gây ra tình trạng nhiễm trùng hoàn toàn trong tế bào đó.
Nghiên cứu mới xác định có hai kênh canxi trong thể nội bào kiểm soát quá trình di chuyển này của virus Ebola và hai kênh này có thể bị chặn lại bằng một số loại thuốc sử dụng trong điều trị huyết áp cao. Hoạt chất Tetrandrine cho thấy hiệu quả cao nhất.
Robert Davey, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, cho biết khi thử nghiệm trên chuột, Tetrandrine thành công ngăn chặn virus Ebola tái tạo và chữa khỏi bệnh cho một nửa số chuột thí nghiệm mà không cho thấy phản ứng phụ nào.
Ông Davey nhấn mạnh đây là một phát hiện và tiến triển đáng mừng trong bối cảnh toàn thế giới đang nỗ lực tìm kiếm một loại vắcxin và phương pháp điều trị hữu hiệu cho Ebola.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu cũng cho biết hiện chưa thể chắc chắn Tetrandrine sẽ cho hiệu quả điều trị tương tự ở người. Song với kết quả ban đầu tích cực này, giới khoa học cho biết sẽ tiếp tục các thử nghiệm trên linh trưởng và hướng tới thử nghiệm trong điều trị ở người.
Hiện trên thị trường chưa có phương thuốc điều trị chính thức cho Ebola. Kể từ khi bùng phát từ năm 2013 đến nay, loại virus chết người này đã cướp đi sinh mạng hơn 9.000 người, phần lớn tại các nước Tây Phi./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục