Cận cảnh tàu đặc dụng Mỹ xử lý vũ khí hóa học của Syria

Mỹ sẽ triển khai con tàu MV Cape Ray được trang bị các thiết bị thủy phân đặc dụng có thể tiêu hủy vũ khí hóa học ngay trên boong tàu.
Cận cảnh tàu đặc dụng Mỹ xử lý vũ khí hóa học của Syria ảnh 1Tàu MV Cape Ray. (Nguồn: wavy.com)

Từ khá lâu trước khi các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt khiến Mỹ gần như bị chôn chân trong cuộc nội chiến của đất nước này, chính phủ Mỹ đã nỗ lực tìm cách vô hiệu hóa kho khí độc và các loại vũ khí bị cấm khác của Assad.

Không một quốc gia nào dường như có ý sẵn sàng cho phép một hoạt động như vậy được tiến hành trên lãnh thổ của họ, còn việc tiêu hủy những vũ khí đó ngay trên đất Syria trong khi một cuộc nội chiến đang diễn ra lại dường như chứa đựng đầy những rủi ro tiềm tàng có thể biến thành ác mộng.

Theo tạp chí Foreign Policy, thế giới sắp được chứng kiến một giải pháp khả thi, trong một vài tuần tới, Mỹ sẽ triển khai con tàu MV Cape Ray dài 648 feet, nặng 22.000 tấn được trang bị các thiết bị thủy phân đặc dụng có thể tiến hành tiêu hủy ngay trên boong tàu các tác nhân hóa học được sử dụng để chế tạo khí độc sarin và mustard.

Con tàu này sẽ xuất phát từ bang Virginia, Mỹ, và khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ trở lại đây. Các nhân viên của con tàu này sẽ bốc xếp các loại vũ khí hóa học lên tàu từ một hải cảng ở Địa Trung Hải, có tin là một cảng của Italy, rồi chở ra khơi tới vùng lãnh hải quốc tế - nơi được coi là hầu như không có các trở ngại liên quan đến chính trị và ngoại giao nếu so với việc tiêu hủy số vũ khí này trên đất liền.

Trên con tàu này sẽ chở theo 35 thủy thủ, cùng hơn 60 kỹ sư và các nhân viên khác - những người sẽ xử lý số vũ khí hóa học.

Frank Kendall, Thứ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách công tác thu nhận, công nghệ và hậu cần, cho biết thời gian khởi hành của con tàu này phụ thuộc vào một số yếu tố, "nhưng chúng tôi hy vọng trong vòng 2 tuần nữa, con tàu sẽ khởi hành."

Ông nói thêm: "Chúng tôi được biết sẽ phải xử lý khoảng 700 tấn vũ khí hóa học, và chúng tôi có khả năng để làm việc đó."

Ông Kendall nói rõ Lầu Năm Góc, Cục Hàng hải Mỹ và Bộ Giao thông nước này đã giới thiệu Hệ thống Thủy phân dã chiến (FDHS) sẽ tiến hành tiêu hủy số vũ khí hóa học này trên boong tàu. Hai trong số các hệ thống trị giá 5 triệu USD này sẽ được triển khai ngay trên tàu Cape Ray, tiến hành xử lý khí mustard và khử methylphosphonyl - tiền chất của sarin.

Adam Baker, một kỹ sư thuộc Trung tâm Hóa Sinh Edgewood của quân đội Mỹ cho biết số vũ khí hóa học trên sẽ được vô hiệu hóa trong những chiếc lều màu trắng, có van thông hơi ngay trên boong con tàu, rồi được dẫn qua các đường ống và vòi tới một loạt các khoang chứa để xử lý thêm và trữ lại. ECBC chính là cơ quan đã thực hiện tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Mỹ trong nhiều năm qua tại 3 địa điểm, gồm Aberdeen Proving Ground, Md; Pine Bluff, Ark và Rock Island, III.

Hệ thống thủy phân mới đặt trên boong tàu Cape Ray kết hợp một loạt công nghệ, làm nóng và hòa với nước, xút ăn da và muối kết tinh để biến các loại vũ khí hóa học này thành rác thải.

Cận cảnh tàu đặc dụng Mỹ xử lý vũ khí hóa học của Syria ảnh 2

Điểm khác biệt cơ bản của hệ thống mới này là nổi trên mặt biển, có thể đối mặt với thời tiết xấu, các cuộc tấn công tiềm tàng và bất kỳ mối đe dọa nào khác có thể xảy ra trong khi đang tiến hành công tác tiêu hủy vũ khí hóa học. Kedall và các quan chức an ninh khác từ chối cho biết các biện pháp bảo vệ an ninh mà Cape Ray sẽ có, tuy nhiên Mỹ có kế hoạch huy động lực lượng hải quân để bảo vệ con tàu này.

Đại tá Richard Jordan, chỉ huy con tàu, cho biết các thủy thủ của tàu Cape Ray và các nhân viên phụ trách việc tiêu hủy vũ khí hóa học đã được đào tạo trong vài tháng qua để có thể đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra, kể cả trường hợp cháy nổ hoặc hóa chất bị tràn ra ngoài. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thời tiết xấu được coi là mối đe dọa nguy hiểm nhất, vì con tàu này không thể cập vào bất kỳ bến nào cho đến khi quá trình xử lý số vũ khí trên hoàn tất.

Song, Đại tá Jordan khẳng định với 40 năm kinh nghiệm đi biển, ông đủ khả năng để lái con tàu Cape Ray tránh các cơn bão. Ông còn cho biết một đội an ninh và các nhân viên của cơ quan Tư lệnh Mỹ và châu Âu cũng sẽ có mặt trên tàu, và nếu tình hình thời tiết trên biển trở nên quá bất lợi thì công tác tiêu hủy vũ khí sẽ được tạm ngừng.

Thủy thủ đoàn dự kiến sẽ được triển khai trong 4 tháng - với khoảng 90 ngày để xử lý số vũ khí hóa học cộng thêm thời gian xuất phát và trở về Virginia.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 7/1 cho biết Syria đã bắt đầu vận chuyển vũ khí hóa học ra khỏi nước này theo như thỏa thuận tiêu hủy kho vũ khí hóa học mà chính quyền Damascus đã ký với Nga và Mỹ hồi năm ngoái.

Bà Sigrid Kaag, người đứng đầu phái bộ hỗn hợp giữa OPCW và Liên hợp quốc cho biết lô vũ khí hóa học đầu tiên của Syria được đưa lên tàu Đan Mạch tại cảng Latakia đã đi vào vùng biển quốc tế. Theo bà Kaag, "sự kiện này mở đầu cho quá trình đưa vũ khí hóa học ra khỏi lãnh thổ Syria để tiêu hủy."

Tàu Đan Mạch được hộ tống bởi đội tàu hải quân do Đan Mạch, Na Uy và Syria cung cấp. An toàn của tàu trong vùng biển quốc tế sẽ được các tàu của Trung Quốc, Đan Mạch, Na Uy và Nga bảo đảm.

Người đứng đầu phái bộ quốc tế OPCW kêu gọi Syria "tiếp tục các nỗ lực nhằm vận chuyển hoàn toàn vũ khí hóa học ra khỏi nước này trong thời hạn ngắn nhất và an toàn nhất"./.

Cận cảnh tàu đặc dụng Mỹ xử lý vũ khí hóa học của Syria ảnh 3
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục