Cảnh báo ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng nghề Hà Nội

Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề tại Hà Nội đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề.

Kết quả quan trắc, phân tích chất lượng môi trường tại 22 làng nghề với tần suất 2 đợt/năm cho thấy hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 14 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, ngày 3/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng cho biết các l​àng nghề có ít nhất ba chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt là các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm có chỉ tiêu quan trắc vượt chỉ tiêu cho phép.

Hiện thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề phân bố không đều. Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề.

Mặc dù, thời gian qua Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm và xử lý vi phạm pháp luật về Bảo vệ môi trường tại các làng nghề, tuy nhiên, việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất trong khu vực làng nghề có quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình), nằm phân tán trong khu dân cư, hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải; kinh phí đầu tư cho công nghệ, xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường rất lớn nên việc kêu gọi, huy động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư cho công tác xử lý, bảo vệ môi trường cũng rất khó khăn.

Bên cạnh đó, nhu cầu giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của nhân dân tại khu vực làng nghề luôn là vấn đề cấp thiết.

Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đã bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án xử lý nước thải làng nghề; xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ để tiếp tục từng bước cải thiện chất lượng môi trường tại các làng nghề. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư và cung cấp các dịch vụ môi trường, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý các vấn đề môi trường.

Một số dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai thực hiện gồm dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Dương Liễu, Hoài Đức với công suất 13.000 m2/ngày đêm xử lý nước thải cho làng nghề ba xã Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai đi vào hoạt động năm 2016; dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, Hoài Đức; dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, Thanh Oai...

Đặc biệt, thời gian tới Hà Nội sẽ sớm hoàn thành xây dựng và phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;” quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư.

Thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, trong đó coi công tác bảo vệ môi trường làng nghề là một trong những tiêu chí để đánh giá việc phát triển của làng nghề.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục