Cảnh báo về 320 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng trên cả nước

Hiện cả nước có khoảng 320 hồ chứa bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, tập trung chủ yếu là các hồ chứa có dung tích nhỏ dưới 1 triệu m3.
Cảnh báo về 320 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng trên cả nước ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN)

Tại Hội thảo “Quản lý nguồn nước, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, thể chể và chính sách trong quản lý, vận hành và bảo dưỡng hồ đập” diễn ra sáng 23/12, đại diện Tổng Cục Thủy lợi cho biết, nhiều hồ chứa trên cả nước đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Cụ thể, hiện cả nước có khoảng gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện (ở 45 tỉnh, thành phố) nhưng có tới 1.150 hồ chứa cần phải sửa chữa, nâng cấp. Trong số đó, có khoảng 320 hồ chứa bị hư hỏng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, tập trung chủ yếu là các hồ chứa có dung tích nhỏ dưới 1 triệu m3.

Lý do của việc xuống cấp này là bởi hầu hết các công trình được xây dựng cách đây 30-40 năm.

Vẫn theo đại diện Tổng Cục Thủy lợi, công tác quản lý hồ chứa gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Cụ thể, số lượng hồ chứa nhỏ quá nhiều (khoảng 5.668 hồ chứa nằm rải rác) khiến công tác quản lý, vận hành gặp không ít khó khăn.

Mặt khác, năng lực quản lý hồ chứa đối với những chủ đập là các xã, hợp tác xã hoặc cán bộ, thôn, bản vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn nên không kịp thời phát hiện và xử lý làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố. Ngoài ra, kinh phí sửa chữa các hồ chứa bị xuống cấp hiện vẫn còn thiếu so với yêu cầu, tạo ra những nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ chứa vừa...

Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cho hay, hiện nay vấn đề quản lý an toàn hồ đập đặt ra hết sức cấp bách.

"Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang nghiên cứu, xây dựng chương trình về an toàn hồ đập với mục tiêu đến 2020, công tác an toàn đập phải cơ bản được hoàn thành," ông Thắng nhấn mạnh.

Hội thảo “Quản lý nguồn nước, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, thể chể và chính sách trong quản lý, vận hành và bảo dưỡng hồ đập” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục