Cạnh tranh tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp tại thị trường Nhật Bản

Trong một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện, 11,6% sinh viên tốt nghiệp vào tháng Ba năm nay cho biết họ đã có những trải nghiệm tương tự với các công ty tuyển dụng.
Cạnh tranh tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp tại thị trường Nhật Bản ảnh 1Sinh viên Nhật Bản đi phỏng vấn việc làm. (Nguồn: japantrends.com)

Theo hãng tin Kydodo, sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty Nhật Bản trong việc tuyển dụng các sinh viên mới tốt nghiệp đã dẫn tới tình trạng một số công ty có hành vi ép buộc và thiếu chuyên nghiệp để giữ chân người được tuyển dụng.

Hoạt động tuyển dụng chậm lại do đại dịch COVID-19 đã chứng kiến sự hồi sinh do nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tăng lên. Ngoài ra, những thách thức về nhân khẩu học kéo dài ở Nhật Bản đang làm tăng sự cạnh tranh trong môi trường lao động.

Việc phỏng vấn tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào mùa Xuân năm sau chính thức bắt đầu vào ngày 1/6, song nhiều công ty đã thu hút nhân viên tiềm năng từ sớm để tìm cách giữ chân họ. Một vấn đề nảy sinh là các công ty cố gắng "giữ chân" những lao động tiềm năng này bằng các thỏa thuận không ràng buộc về pháp lý, nhưng khi người được tuyển dụng có ý định chuyển sang công ty khác bên tuyển dụng trước đó phản ứng đến mức gây phiền nhiễu.

Một sinh viên 21 tuổi sắp tốt nghiệp đại học ở Tokyo đã gặp rắc rối với một nhân viên tuyển dụng của một nhà bán lẻ lớn. Tháng 12 năm ngoái, sinh viên này nhận được lời mời làm việc không chính thức và đã nộp một bản cam kết vào tháng Ba vừa qua theo yêu cầu của nhà bán lẻ rằng cô sẽ không tìm việc ở công ty khác.

Tuy nhiên, sau đó, cô nhận được một lời mời làm việc không chính thức từ một công ty mà cô thích hơn và thông báo với nhà bán lẻ nói trên về ý định từ chối đề nghị làm việc. Khi đó, nhân viên tuyển dụng của nhà bán lẻ đã gây sức ép đối với sinh viên này bằng những chất vấn trong gần nửa giờ đồng hồ về cam kết không tìm việc ở công ty khác.

[Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản tiếp tục tăng cao trong tháng 10]

Trong một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện, 11,6% sinh viên tốt nghiệp vào tháng Ba năm nay cho biết họ đã có những trải nghiệm tương tự với các công ty tuyển dụng - tăng 2,6 điểm phần trăm so với năm trước. Điều này cho thấy thách thức mà các công ty phải đối mặt nhằm thu hút các lao động tiềm năng, song cũng phản ánh sự bế tắc của các công ty tuyển dụng khi họ buộc phải gây áp lực đối với người lao động. Thực trạng trên ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người được tuyển dụng.

Trong khảo sát khác do công ty dịch vụ thông tin việc làm Disco Inc thực hiện, có tới 42,2% số công ty được hỏi cho biết họ đang gặp "khó khăn" hoặc "cực kỳ khó khăn" trong việc tuyển dụng lao động mới tính đến tháng Năm vừa qua, tăng 14,1% so với một năm trước đó. Theo một cuộc khảo sát khác ở khu vực tư nhân, tổng số lời mời làm việc cho sinh viên tốt nghiệp vào tháng 3/2023 đánh dấu sự gia tăng đầu tiên trong 4 năm.

Chính phủ Nhật Bản ấn định ngày 1/6 bắt đầu các hoạt động tuyển dụng, song không bắt buộc tuân thủ thời gian này. Khảo sát của công ty dịch vụ thông tin việc làm Recruit Co. cho thấy tính đến ngày 15/5 vừa qua, 65,4% số sinh viên tốt nghiệp vào năm tới đã nhận được lời mời làm việc không chính thức, tăng 6,2 điểm phần trăm so với năm trước. Trong số sinh viên nhận lời mời làm việc không chính thức, 43% cho biết họ có ý định tiếp tục tìm việc khác.

Thực trạng trên cho thấy hệ thống luật pháp tại Nhật Bản dường như chưa có biện pháp bảo vệ những sinh viên sắp tốt nghiệp. Một đạo luật có hiệu lực vào tháng 6/2020 bắt buộc các công ty lớn phải ngăn chặn hành vi gây phiền nhiễu đồng thời thúc đẩy phụ nữ tham gia lực lượng lao động.

Vào tháng Tư năm nay, các quy định này đã được mở rộng áp dụng với các công ty vừa và nhỏ. Tuy nhiên, văn bản này được cho là chưa thực sự bao trùm. Chuyên gia tư vấn việc làm Masanao Tanide nhấn mạnh sinh viên có quyền tự do lựa chọn việc làm, họ phải được nộp đơn xin việc ở những công ty họ lựa chọn mà không sợ bị gây phiền nhiễu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục