Chất lượng không khí miền Bắc trong giai đoạn ô nhiễm cao nhất năm

Chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội và một số đô thị miền Bắc có dấu hiệu xấu đi khi giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trong ngày 6/3 tăng cao đáng kể so với những ngày trước đó.
Chất lượng không khí miền Bắc trong giai đoạn ô nhiễm cao nhất năm ảnh 1hệ thống đo chất lượng không khí của Tổng cục Môi trường. (Ảnh chụp màn hình)

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết kết quả quan trắc trong ngày 6/3 cho thấy chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội và một số đô thị miền Bắc có dấu hiệu xấu đi. Theo đó, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trong ngày 6/3 tăng cao đáng kể so với những ngày trong tuần trước đó.

Hiện Hà Nội cũng như một số đô thị khác ở khu vực miền Bắc vẫn đang trong thời gian ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5, cao nhất trong năm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau).

Ô nhiễm chủ yếu do bụi mịn PM2.5

Đánh giá lại tình hình chất lượng không khí trong hai tháng đầu năm, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết chất lượng không khí tiếp tục diễn biến xấu ở một số đô thị khu vực miền Bắc và miền Nam, đặc biệt là tại thành phố Hà Nội.

Theo số liệu kết quả quan trắc của 6 trạm quan trắc không khí tự động liên tục (tại Hà Nội, Việt Trì, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa) do Tổng cục Môi trường quản lý; 10 trạm (tại Hà Nội) do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý; 1 trạm của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và 2 trạm của Đại sứ quán Mỹ (tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi mịn PM2.5.

Tại một số đô thị khu vực miền Bắc (Việt Trì, Hà Nội, Hạ Long), giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM2.5 cao hơn các khu vực khác, trong đó Hà Nội có giá trị cao nhất. Tại Hà Nội, trong tháng Một, giá trị quan trắc trung bình 24 giờ các trạm có 9 ngày vượt quá giới hạn so với Quy chuẩn Việt Nam, riêng trong tháng 2 (từ ngày 1/2 đến ngày 24/2) đã có 14 ngày vượt Quy chuẩn Việt Nam.

[Chất lượng không khí tới ngưỡng ‘nâu’: Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe]

Thành phố Việt Trì cũng có 6 ngày trong tháng Hai có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt giới hạn cho phép. Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận một số ngày có giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 vượt Quy chuẩn Việt Nam.

Tổng cục Môi trường cũng nhận định, chất lượng không khí theo chỉ số AQI từ ngày 1/1 đến ngày 29/2 tại các đô thị khu vực miền Bắc, số ngày trong tháng có chất lượng không khí ở mức trung bình và mức kém chiếm tỷ lệ khá cao.

Chất lượng không khí miền Bắc trong giai đoạn ô nhiễm cao nhất năm ảnh 2Chất lượng không khí ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. (Nguồn: Tổng cục Môi trường)

Tại Hà Nội, chỉ có 7 ngày chất lượng không khí ở mức tốt, 9 ngày chất lượng không khí ở mức xấu, những ngày còn lại chất lượng không khí nằm ở mức từ trung bình đến kém. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ngày có chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 30%, ở mức trung bình chiếm 64% và ở mức kém chiếm 6%.

Trong tuần đầu tiên của tháng Ba, Tổng cục Môi trường cho biết từ ngày 1-5/3, chất lượng không khí tại Hà Nội và các đô thị đều có chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, kết quả quan trắc trong ngày 6/3 cho thấy chất lượng không khí tại Hà Nội và một số đô thị miền Bắc lại có dấu hiệu xấu đi, giá trị thông số PM2.5 trong ngày 6/3 tăng cao đáng kể so với những ngày trước đó trong tuần.

Hà Nội vẫn là nơi ô nhiễm nhất

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, trong 2 tháng đầu năm 2020, Thủ đô Hà Nội vẫn tiếp tục là đô thị có giá trị thông số bụi PM2.5 cao nhất. Kết quả quan trắc cho thấy tại Hà Nội, có một số thời gian giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi mịn PM2.5 tăng lên rất cao (vượt từ 2-3 lần giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam), nhất là các ngày 1/1, 13/1,14/1, ngày 2/2 và ngày 20-23/2.

Trong khoảng thời gian giữa tháng Hai, từ ngày 14/2 đến ngày 21/2, kết quả quan trắc cho thấy, giá trị thông số PM2.5 có xu hướng liên tục tăng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 20/2 đến ngày 23/2 giá trị PM2.5 rất cao. Giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 ngày 21/2 vượt quá gần 3 lần so với giới hạn trong Quy chuẩn Việt Nam.

Chất lượng không khí miền Bắc trong giai đoạn ô nhiễm cao nhất năm ảnh 3Chất lượng không khí tại Hà Nội. (Nguồn: Tổng cục Môi trường)

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm của Hà Nội từ ngày 1/1 đến ngày 29/2/2020 cho thấy có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100). Riêng ngày 21/2 là ngày có chất lượng không khí kém nhất trong khoảng thời gian nêu trên (mức rất xấu ở đa số các trạm).

Trong tuần đầu tháng 3/2020, số liệu của các trạm tại Hà Nội cho thấy trong 2 ngày từ 1-2/3, có 2/13 trạm có giá trị thông số PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với Quy chuẩn Việt Nam 1,1 lần. Từ ngày 3-5/3, giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ tại tất cả các trạm đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.

Tuy nhiên, sang ngày 6/3, thời tiết thủ đô có diễn biến mới, tình trạng mưa dứt hẳn, xuất hiện sương mù vào sáng sớm, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá cao, cùng với đó giá trị trung bình 1 giờ của thông số PM2.5 tại Hà Nội cũng tăng cao so với những ngày trước đó. Minh chứng là chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong ngày 6/3 ở đa số các trạm duy trì ở mức xấu và mức kém.

Nhận định diễn biến chất lượng không khí và bụi mịn trong thời gian tới, phía Tổng cục Môi trường cho rằng với điều khí tượng những ngày tới không còn mưa, có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, kéo theo tình trạng sương mù vào sáng sớm, có thể sẽ khiến giá trị thông số PM2.5 tại Thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì ở mức khá cao, chất lượng không khí sẽ không còn ở mức tốt như những ngày trước.

Thủ đô Hà Nội cũng như một số đô thị khác ở khu vực miền Bắc vẫn đang trong thời gian ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5, cao nhất trong năm. Chỉ khi thời tiết có sự thay đổi do có mưa hoặc tốc độ gió tăng, giảm tình trạng sương mù… thì chất lượng không khí mới có thể cải thiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục