Châu Âu hợp lực để giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung chip bên ngoài

Việc nhập khẩu phụ tùng ôtô và các linh kiện khác từ châu Á bị chặn đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất ôtô ở Cộng hòa Séc và nước ngoài trong nhiều tháng.
Châu Âu hợp lực để giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung chip bên ngoài ảnh 1Một dây chuyền lắp ráp xe của Škoda Auto. (Nguồn: praguebusinessjournal.com)

Các nhà sản xuất ôtô ở Cộng hòa Séc đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip bán dẫn trong nhiều tháng.

Vì lý do này, Škoda Auto đã giảm đáng kể sản lượng ở tất cả các nhà máy trong nước và đang kêu gọi châu Âu tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện từ châu Á và Mỹ, đồng thời xây dựng các nhà máy riêng như Bosch gần đây đã triển khai ở Dresden.

Ở những nơi khác, cuộc khủng hoảng đang giảm bớt do nhập khẩu hàng hóa từ châu Á bằng xe tải.

[Tình trạng thiếu chíp bán dẫn làm chậm quá trình sản xuất ôtô tại Đức]

Tác giả Adéla Očenášková đã có bài phân tích trên Nhật báo Aktuálně.cz của Cộng hòa Séc, số cuối tháng 6/2021 về vấn đề này.

Sự chậm trễ không chỉ liên quan đến sự suy giảm hoạt động sản xuất của châu Á, mà còn liên quan đến vận tải.

Việc nhập khẩu phụ tùng ôtô và các linh kiện khác từ châu Á bị chặn đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất ôtô ở Cộng hòa Séc và nước ngoài trong nhiều tháng. Ngoài ra, nguồn cung bị tê liệt đối với một số mặt hàng nên nhiều công ty ở các lĩnh vực khác cũng đang lao đao với vấn đề này.

Áp lực quá tải trong vận chuyển quốc tế và đường sắt, không xác định thời gian nhập hàng đang cần vận chuyển bằng xe tải để giúp giải quyết vấn đề. Tháng trước, Công ty Logistics DB Schenker của Đức đã khởi động một tuyến đường bộ trực tiếp từ Trung Quốc đến Cộng hòa Séc, chạy qua Nga, Belarus và Ba Lan.

Tại Trung Quốc, đầu tiên việc vận chuyển được sử dụng phương tiện vận tải địa phương để đưa hàng đến biên giới với Nga. Tại đó, hàng hóa được chuyển lên xe tải qua kho hải quan, sau đó chuyển hàng sang Cộng hòa Séc.

Vận chuyển container tiêu chuẩn với khối lượng 33 pallet và trọng lượng tối đa 22 tấn mất hai tuần, lộ trình hơn 13.000km.

Cho đến nay, Schenker đã tổ chức các đoàn xe tải từ Trung Quốc, với hàng chục xe đã được đặt hàng hoặc chuẩn bị. Giám đốc Schenker Tomáš Holomoucký cho biết: "Phương tiện vận chuyển này phù hợp với nhiều loại hàng hóa, từ thiết bị thể thao đến phụ tùng ôtô và linh kiện điện tử. Vận chuyển trên tuyến này thường bao gồm hàng tiêu dùng hoặc hợp đồng phụ cho các công ty sản xuất Séc."

Các công ty thường sử dụng container đường biển để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng các bến cảng gần đây đã quá tải, điều này làm chậm trễ và tăng chi phí giao hàng.

Do cuộc khủng hoảng này, Tập đoàn Logistics Geis cũng vận hành chuyên chở bằng xe tải.

David Knobloch, đại diện Geis cho biết: “Do sự gián đoạn của các luồng logistics liên quan đến đại dịch COVID-19, chúng tôi vẫn đang giải quyết các cơ hội mới với các đối tác của mình ở châu Á, cho dù đó là vận chuyển trực tiếp hay vận tải đường sắt.”

Kêu gọi đầu tư lớn để tự cung tự cấp

Tuy nhiên, vận chuyển bằng xe tải sẽ khó có thể khắc phục tình trạng thiếu chip bán dẫn và một số hàng hóa khác, nguyên nhân phần lớn là do đại dịch COVID-19 và sự cân bằng cung cầu bị xáo trộn. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, một số chuyên gia đang kêu gọi châu Âu nên tự chủ sản xuất chip.

Michael Oeljeklaus, trưởng bộ phận sản xuất và cung ứng của hãng xe lớn nhất của Cộng hòa Séc Škoda Auto, nhấn mạnh: "Cần phải làm điều gì đó cho thị trường châu Âu. Vấn đề này cho thấy rằng cần phải thoát khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào châu Á và Mỹ. Hiện nay, vi mạch là một phần cuộc sống của chúng tôi và không thể làm gì nếu thiếu chúng, bao gồm ngành ôtô."

Việc giao hàng hạn chế cũng ảnh hưởng đến hoạt động tại hai hãng sản xuất ôtô lớn nhất ở Cộng hòa Séc là Hyundai và Toyota.

Petr Knap, một chuyên gia về thị trường ôtô của Hãng kiểm toán Anh EY, cũng có quan điểm tương tự như chuyên gia Oeljeklaus. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đến những giới hạn mà nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhập khẩu chip bán dẫn sẽ phải đối mặt, đồng thời nhận thấy vấn đề chủ yếu ở sự chuyên môn hóa của các nhà sản xuất riêng lẻ, do đó châu Âu không bao giờ có thể tự túc hoàn toàn.

Theo ông Petr Knap: "Chất bán dẫn và công nghệ liên quan đến phần mềm sản phẩm nói chung quan trọng về mặt chiến lược, không chỉ đối với ngành công nghiệp ôtô. Tiếc rằng, thời gian cần thiết để có được năng lực tiên tiến và nhu cầu đầu tư đúng nghĩa về năng lực bán dẫn mới xuất hiện thực sự trong vòng hai đến năm năm và liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay.”

Zdeněk Petzl, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp ôtô Czech nói rằng, việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip đòi hỏi một khoản đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD và nếu không có sự hỗ trợ tài chính và phối hợp từ Liên minh châu Âu (EU), khoản đầu tư như vậy không thể được đáp ứng trong tương lai gần.

Người phát ngôn của Hiệp hội, Vojtěch Severýn, nói thêm EU cần thu hút toàn bộ chuỗi nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp ôtô, không chỉ là sản xuất.

Triển khai nhà máy mới sản xuất chip ở Đức

Bosch là công ty duy nhất ở châu Âu cung cấp sản phẩm này. Tại Dresden, nơi gần biên giới với Cộng hòa Séc, Bosch đã mở một nhà máy sản xuất chip trong tháng này, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch ban đầu do thiếu mặt hàng này.

Bosch tin rằng việc xây dựng công ty trị giá 1 tỷ euro sẽ giúp châu Âu củng cố sự độc lập về công nghệ, nhưng vẫn là sản xuất nhỏ so với toàn thế giới.

Về câu hỏi liệu Cộng hòa Séc có xem xét hỗ trợ xây dựng các nhà máy sản xuất chip trong nước trong tương lai, nơi ngành công nghiệp ôtô là một trong những ngành chủ chốt nhất hay không.

Phát ngôn viên của Bộ Công Thương Séc Štěpánka Filipová cho biết Cộng hòa Séc chưa có kế hoạch nhưng sẽ ủng hộ nỗ lực của EU trong việc mở rộng sản xuất vi mạch ở châu Âu. Tuy nhiên, các công ty lớn của châu Âu cần phải vào cuộc.

Chính phủ Cộng hòa Séc đang nỗ lực tham gia vào chiến lược ngành công nghiệp ôtô theo cách khác.

Việc hỗ trợ xây dựng nhà máy sản xuất pin lớn cho ôtô điện (còn gọi là gigafactory) tại Cộng hòa Séc đang được thảo luận.

Vào tháng 3/2021, Bộ trưởng Công Thương Séc Karel Havlíček đã xác nhận điều này và đang thảo luận vấn đề này với nhà sản xuất ôtô Đức Volkswagen.

Theo ông Havlíček, các cuộc đàm phán gắn liền với dự án được công bố trước đây của Tập đoàn năng lượng Séc ČEZ, gần đây đã tiết lộ những dự định về việc xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở miền Bắc Bohemia và tham gia vào hoạt động khai thác pin lithium thiết yếu của Cộng hòa Séc.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Cộng hòa Séc, Radek Špicar nói rằng ông coi một lối thoát của châu Âu và việc củng cố chủ quyền của Cộng hòa Séc ở một số khu vực chiến lược là đúng đắn và là một trong những ví dụ cụ thể về cách để đạt được điều này trong thực tế là đầu tư theo kế hoạch vào gigafactory.

Ông Špicar nói: "Có thể các cuộc khủng hoảng tương tự và tiếp theo là sự phục hồi kinh tế nhanh chóng đang chờ đợi chúng ta trong tương lai. Do đó, sẽ không hay nếu lặp lại những sai lầm tương tự và vẫn phụ thuộc lâu dài vào chuỗi cung ứng toàn cầu và các nhà cung cấp nước ngoài như hiện nay"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục