Châu Phi: Tích lũy các đổi mới sáng tạo để đối phó hiệu quả COVID-19

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Columbia, hiện tại, châu Phi chỉ chiếm 3% các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu, trong khi dân số lục địa chiếm 17% tổng dân số thế giới.
Châu Phi: Tích lũy các đổi mới sáng tạo để đối phó hiệu quả COVID-19 ảnh 1Cấp cứu bệnh nhân tại bệnh viện Steve Biko, thủ đô Pretoria, Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Trang mạng dailymaverick.co.za mới đây đăng bài phân tích về hoạt động của Nhóm Công tác đổi mới ứng phó đại dịch tại châu Phi, dự kiến sẽ ra mắt và hoạt động trong vài tháng tới nhằm tích lũy các đổi mới sáng tạo của châu Phi trong đối phó hiệu quả với COVID-19 để điều chỉnh, áp dụng phù hợp với những nước khác trên lục địa.

Theo bài viết, đại dịch đang diễn biến phức tạp hơn ở các nước châu Phi, nhưng các nhà khoa học đang theo kịp những diễn biến mới này. Nghiên cứu mới về phản ứng của chính phủ đối với COVID-19 ở Nam Phi, Nigeria, Ethiopia, Ai Cập và Kenya là cơ sở để hình thành một nhóm công tác quốc tế đối phó với COVID-19.

Nhiệm vụ trọng tâm của nhóm sẽ là xác định một số giải pháp phòng chống COVID-19 tốt nhất của châu Phi và hỗ trợ điều chỉnh các giải pháp này phù hợp với tình hình của các nước châu Phi khác. Đây là đòi hỏi cấp thiết, bởi Tiến sỹ Wilmot James, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng đại dịch này “sẽ không chờ đợi bất cứ ai.”

Những thành công bước đầu

Dù các nước châu Phi hoàn toàn không được chuẩn bị cho đại dịch COVID-19, nhưng phản ứng nhanh chóng, sớm và sáng tạo của lục địa đã giúp châu Phi có thể ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn đầu. Đây là đánh giá của nghiên cứu mới “Phản ứng trước dịch bệnh/đại dịch ở châu Phi: COVID-19 tại Ai Cập, Ethiopia, Kenya, Nigeria và Nam Phi” do Viện Nghiên cứu kinh tế-xã hội và chính sách của Đại học Columbia thực hiện.

Nghiên cứu cho thấy khó khăn về kinh tế và các làn sóng lây nhiễm sắp xảy ra khiến các nước châu Phi sẽ phải liên tục và nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, ngay cả khi có vắcxin trong tay. Để đóng góp thực hiện nhiệm vụ này, trường Đại học Columbia đưa ra sáng kiến sẽ áp dụng những đổi mới sáng tạo đã thành công ở một quốc gia châu Phi và điều chỉnh kinh nghiệm cho phù hợp với nhu cầu của nước khác. Ngoài ra, Đại học Columbia có sứ mệnh phát triển “những cách thức mới để giải quyết các vấn đề lớn” một cách ngay lập tức.

“Nhóm Công tác đổi mới ứng phó đại dịch tại châu Phi” do Tiến sỹ Wilmot James đứng đầu là tác giả của nghiên cứu và sáng kiến. Tiến sỹ Wilmot James là một học giả nghiên cứu cấp cao và là Chủ tịch lâm thời của Trung tâm Nghiên cứu Đại dịch tại Viện Nghiên cứu kinh tế-xã hội và chính sách. Ông từng là thành viên Quốc hội Nam Phi giai đoạn 2009-2017.

[Vắcxin COVID-19 cho người nghèo và dấu hỏi lớn về vấn đề công bằng]

Nghiên cứu “Phản ứng trước dịch bệnh/đại dịch ở châu Phi” đưa ra bức tranh tổng thể về cách thức năm trung tâm kinh tế và văn hóa lớn nhất của châu Phi đã phản ứng trước COVID-19 trong năm đầu tiên của đại dịch và sự điều chỉnh chiến lược nhằm đạt được sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe và kinh tế.

Nghiên cứu cho thấy trước đó, châu Phi được dự đoán sẽ “trở thành tâm chấn tiếp theo của dịch bệnh,” bởi những điểm yếu trong hệ thống y tế công cộng của lục địa. Tuy nhiên, một năm sau đại dịch, châu Phi vẫn có tỷ lệ nhiễm COVID-19 thấp nhất thế giới. Tháng 3/2020, báo cáo của Nhóm phản ứng COVID-19 của Đại học Imperial College London (Anh) dự đoán châu Phi sẽ có thể chứng kiến hơn 1 tỷ ca nhiễm và 2,4 triệu ca tử vong do COVID-19.

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Columbia, hiện tại, châu Phi chỉ chiếm 3% các ca nhiễm toàn cầu, trong khi dân số lục địa chiếm 17% tổng dân số thế giới. Trong khi năng lực xét nghiệm COVID-19 của châu Phi thiếu hụt trầm trọng, tỷ lệ dương tính trên tổng xét nghiệm và tỷ lệ xét nghiệm tại từng nước cho thấy virus SARS-CoV-2 không lan rộng ở các nước châu Phi như ở các khu vực khác trên thế giới.

Châu Phi: Tích lũy các đổi mới sáng tạo để đối phó hiệu quả COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tunis, Tunisia, ngày 21/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nghiên cứu của Nhóm Công tác đổi mới ứng phó đại dịch tại châu Phi cho rằng các phản ứng nhanh chóng và ưu tiên đối với sức khỏe cộng đồng ở cả năm nước khảo sát là chìa khóa để làm chậm quá trình lây nhiễm và giảm bớt gánh nặng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe của châu lục. 

Báo cáo đánh giá yếu tố quan trọng góp phần vào thành công trên là các nhà lãnh đạo y tế công cộng ở cả năm nước đều nhận thức được tình trạng yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe trong nước. Tất cả năm quốc gia đều bị đánh giá là không được chuẩn bị để xử lý tình huống khẩn cấp về sức khỏe và không có hệ thống nào được thiết kế đặc biệt để đối phó với đại dịch. 

Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng cả năm nước nói trên đều có khả năng yếu kém trong phản ứng nhanh và thông báo rủi ro khi đối mặt với dịch bệnh bùng phát. Ít nhất hai đánh giá khác cũng cho kết quả tương tự.

Nhóm Công tác đổi mới ứng phó đại dịch tại châu Phi đánh giá: “Không có sẵn máy móc ứng phó đại dịch một cách có chủ đích, các quốc gia đã tạo ra các cấu trúc và công cụ mới khi xuất hiện nhu cầu.”

Do có sự tin tưởng của công chúng và khả năng lãnh đạo tốt, cả năm nước đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt trước khi COVID-19 được ghi nhận chính thức ở trong nước, bao gồm việc yêu cầu mọi người ở nhà, đóng cửa biên giới và khuyến khích đeo khẩu trang, rửa tay và thực hiện giãn cách xã hội. “Đối tác cho phản ứng COVID-19 dựa trên bằng chứng” nhận thấy sự ủng hộ và tuân thủ các biện pháp này tương đối cao ở tất cả năm quốc gia được nghiên cứu.

Các nước này đã thành lập các ủy ban cố vấn, chẳng hạn như Ủy ban Cố vấn liên bộ về COVID-19 của Nam Phi và phát động các chiến dịch thông tin ngay cả trước khi virus xâm nhập vào biên giới. Kenya, Nigeria và Nam Phi thiết lập hệ thống liên lạc trực tiếp với các nhân viên y tế tuyến đầu.

Nghiên cứu đánh giá: “Trái ngược với nhiều quốc gia và khu vực khác đang vật lộn với COVID-19, châu Phi đã áp dụng cách tiếp cận đa phương để ứng phó với đại dịch.”

Được dẫn dắt bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) thuộc Liên minh châu Phi (AU), lục địa này có thể tập hợp các nguồn lực và chuyên môn để mở rộng quy mô xét nghiệm, truy tìm liên hệ, giám sát và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở y tế. Trong vòng hai tháng đầu tiên, châu Phi đã chuyển từ chỉ có hai phòng thí nghiệm được trang bị để xét nghiệm COVID-19 sang tất cả 55 quốc gia thành viên đều có khả năng xét nghiệm với mức độ khác nhau. Ngoài ra, một loạt các cơ chế tài chính mới để đối phó với đại dịch đã được thành lập nhằm giúp đỡ các nước châu Phi nói riêng trong tương lai.

Những thách thức sắp tới

Tuy nhiên, cả năm nước đều phải gánh chịu những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do hậu quả của những biện pháp can thiệp này và vẫn tiếp tục chứng kiến những làn sóng bùng phát COVID-19 lớn tiếp theo. Theo dự đoán, châu Phi sẽ rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau 25 năm, với việc nền kinh tế lục địa suy giảm ước tính từ 3,4% đến 5,2% trong năm 2020.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng phong tỏa của Nam Phi nghiêm ngặt hơn và dài hơn so với bốn quốc gia khác được nghiên cứu. Ngoài ra, niềm tin kinh doanh ở Nam Phi chưa có dấu hiệu phục hồi như ở bốn nước khác. Việc vay nợ quốc tế và viện trợ tài chính đã có tác động tích cực ngay lập tức đến Kenya và Ethiopia. Tuy nhiên, tác động này ít rõ ràng hơn ở Nam Phi, Ai Cập và Nigeria. Cả năm nước đều tập trung vào việc trợ giúp các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cung cấp các gói kích cầu và cắt giảm lãi suất.

Đại dịch làm trầm trọng thêm những thách thức đã tồn tại từ trước trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như tình trạng thiếu nhân viên y tế. Đặc biệt, những nhân viên tuyến đầu có nguy cơ cao vì thiếu nghiêm trọng trang bị bảo hộ cá nhân. Nhóm Công tác đổi mới ứng phó đại dịch tại châu Phi nhận thấy do thiếu sự tin tưởng vào chính phủ, các nhân viên y tế trở thành nguồn thông tin chính thức về COVID-19 tới người dân.

Châu Phi: Tích lũy các đổi mới sáng tạo để đối phó hiệu quả COVID-19 ảnh 3Người dân đeo khẩu trang và sát khuẩn tay khi tới cầu nguyện tại một nhà thờ ở Maiduguri, Nigeria ngày 9/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ethiopia, Nam Phi, Kenya và Nigeria dựa vào mạng lưới hàng nghìn nhân viên y tế cộng đồng đã được thiết lập để truyền thông về mối đe dọa của COVID-19. Các dịch vụ y tế thiết yếu đã bị gián đoạn khi các phòng khám đóng cửa và thuốc men cạn kiệt.

Nghiên cứu cho thấy mặc dù thành công ban đầu, những vấn đề này đã làm suy yếu khả năng ứng phó của các quốc gia với các đợt bùng phát trong tương lai. Nghiên cứu chỉ ra rằng đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trên lục địa và cần phải liên tục cải tiến, tính đến những điểm mạnh, điểm yếu và những đổi mới sáng tạo mới trong ứng phó với đại dịch. Việc triển khai tiêm chủng sẽ tiếp diễn và sự phục hồi kinh tế sẽ mất khoảng thời gian dài. Cần phục hồi và tích hợp khu vực về quản trị và các hệ thống liên quan.

Trưởng nhóm Wilmot James giải thích rằng trong khi thực hiện nghiên cứu, Nhóm Công tác đổi mới ứng phó với đại dịch tại châu Phi ghi nhận nhiều đổi mới sáng tạo được phát triển tại chỗ với nguồn lực hạn chế ở Ethiopia, Ai Cập, Nigeria, Kenya và Nam Phi.

Tiến sỹ James cho biết: “Chúng tôi muốn thu thập những kinh nghiệm hay đó một cách có hệ thống để ứng dụng và phát triển các phương pháp hay nhất ở nơi khác.” Từ đó, Nhóm nghiên cứu sẽ trau dồi những cách giải quyết vấn đề lớn mới, thực sự mới. Trọng tâm là đổi mới chứ không phải là một nỗ lực thuần túy của trường đại học. Đó là sử dụng kiến thức ghi nhận được để giải quyết một số vấn đề trong thế giới thực liên quan đến việc ứng phó với đại dịch.

Đại dịch đòi hỏi nghiên cứu phải được thực hiện nhanh chóng và Tiến sỹ James cho rằng: “Đây không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần.” Châu Phi đang ở giữa làn sóng thứ hai và chúng ta sắp có vắcxin tiêm chủng trên diện rộng. Điều đó sẽ thay đổi các yêu cầu ứng phó với đại dịch. Rõ ràng là không quốc gia nào có thể đủ khả năng thực hiện việc phong tỏa toàn bộ đất nước và với việc xét nghiệm, các quốc gia có thể thực hiện phong tỏa theo khu vực và địa phương. Và với việc vắcxin được phê chuẩn, chiến lược lại phải thay đổi.

Do đó, chiến lược cần sự điều chỉnh khôn khéo và nhanh nhạy, nghĩa là cần thời gian xoay chuyển nhanh trong nghiên cứu và can thiệp nhanh chóng. Đại dịch sẽ không chờ đợi bất cứ ai. Việc phản ứng cần nhanh chóng, khẩn trương và quyết liệt cả về nghiên cứu và can thiệp và những điều đó sẽ thực sự thay đổi cho đến khi đạt được mức miễn dịch cộng đồng.

Nhóm Công tác sẽ tập trung vào ba lĩnh vực can thiệp chính ở cấp khu vực là công nghệ, các cải cách hệ thống và “sức mạnh não bộ.”

Tiến sỹ James cho rằng thách thức mà các quốc gia châu Phi phải đối mặt là nâng cấp thử nghiệm, đảm bảo việc thu mua và phân phối vắcxin phù hợp với nhu cầu, bao gồm cả vấn đề hậu cần vận chuyển vắcxin và tiêm chủng cho người dân. Tất cả những vấn đề đó đều yêu cầu giải pháp. Đó là những gì Nhóm Công tác đang xem xét về thách thức trong tương lai.

Một nhiệm vụ khác là tạo ra một “cơ sở hạ tầng xương sống” để hình thành hệ thống dữ liệu cần thiết cho việc giám sát dịch bệnh thích hợp. Tiến sỹ James đánh giá Nam Phi là quốc gia châu Phi duy nhất tính được số người tử vong vượt mức liên quan đến COVID-19. Nhóm Công tác muốn giải quyết vấn đề đó, dù nghe có vẻ khá đơn giản, nhưng thực sự rất khó thực hiện khi đề cập đến dữ liệu thực tế để hỗ trợ các can thiệp sức khỏe cộng đồng nhằm ứng phó với đại dịch.

Nhóm Công tác đang tìm cách hợp tác với các tổ chức châu Phi trên khắp lục địa trước khi ra mắt trong vài tháng tới. Các biện pháp can thiệp của Nhóm Công tác về cơ bản mang tính châu Phi và dựa trên các bằng chứng trên thực địa, đúc rút từ những chuyên môn hay ở châu Phi và các nơi khác. Nhóm Công tác cũng sẽ thúc đẩy liên kết với các chi nhánh khu vực của Africa CDC cũng như của chính phủ các nước châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục