Chỉ số giá lương thực thế giới tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua

Chỉ số giá lương thực của FAO ghi nhận những thay đổi hằng tháng về giá cả các mặt hàng thực phẩm thông thường, trong đó đường là mặt hàng có mức tăng giá cao nhất.
Chỉ số giá lương thực thế giới tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua ảnh 1(Nguồn: thehindubusinessline.com)

Giá lương thực thế giới trong tháng Tư vừa qua đã tăng tháng thứ 11 liên liếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2014, trong đó đường là mặt hàng có mức tăng giá cao nhất.

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) - ghi nhận những thay đổi hằng tháng về giá cả các mặt hàng thực phẩm thông thường, trong tháng Tư vừa qua ở mức trung bình 120,9 điểm, so với mức 118,5 điểm ghi nhận trong tháng Ba.

Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc trong tháng Tư tăng 1,2% so với tháng Ba và tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Những lo ngại về thu hoạch mùa màng tại Argentina, Brazil và Mỹ đã đẩy giá ngô tăng 5,7% trong tháng Tư, trong khi giá bột mỳ ổn định.

Chỉ số giá dầu thực vật cũng tăng 1,8% so với tháng Ba do giá nguyên liệu sản xuất dầu như đậu nành, hải cải dầu.... tăng cao.

[Giá lương thực toàn cầu tăng tác động hai chiều đến cổ phiếu ngành]

Trong khi đó, giá các mặt hàng bơ sữa cũng tăng 1,2% do nhu cầu từ khu vực châu Á đối với các mặt hàng bơ, bột sữa không kem và phomai tăng cao. Chỉ số giá thịt cũng tăng 1,7%.

Sau khi giảm trong tháng Ba, giá đường đã tăng trở lại trong tháng Tư với mức tăng 3,9% trong Một tháng và tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo FAO, nhu cầu mua tích trữ mạnh mặt hàng này xuất phát từ những quan ngại về nguồn cung eo hẹp trong năm 2020 và 2021 đã đẩy giá mặt hàng này.

FAO tăng mức dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2020 thêm 1,7 triệu tấn, lên 2,767 tỷ tấn, tăng 2,1% so với năm 2019. Trong khi đó, sản lượng lúa mỳ dự báo đạt 778,8 triệu tấn trong vụ mùa năm 2021-2022, tăng 0,5% so với dự báo năm 2020.

FAO cho biết những con số dự báo trên được đưa ra căn cứ dự báo của các khu vực sản xuất nông nghiệp tại Brazil, Trung Quốc, Ukraine và Mỹ, cũng như các nguồn cung tại các nước Liên minh châu Âu (EU) dần hồi phục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục