Chiến lược của Mỹ với châu Á nhìn từ cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung

Đại sứ Mỹ tại Indonesia Joseph Donovan nhấn mạnh Washington không ép buộc bất kỳ quốc gia hay doanh nghiệp châu Á nào phải lựa chọn thương mại giữa Mỹ hay Trung Quốc.
Chiến lược của Mỹ với châu Á nhìn từ cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ảnh 1(Nguồn: intevac.com)

Theo trang mạng scmp.com, Đại sứ Mỹ tại Indonesia Joseph Donovan nhấn mạnh Washington không ép buộc bất kỳ quốc gia hay doanh nghiệp châu Á nào phải lựa chọn thương mại giữa Mỹ hay Trung Quốc, song trong những bình luận được cho là nhằm ám chỉ Bắc Kinh, nhà ngoại giao này kêu gọi chống lại “các biện pháp bảo hộ thiếu công bằng” vốn “hủy hoại tăng trưởng.”

Phát biểu trong sự kiện của Văn phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Hong Kong, ông nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, không loại trừ bất kỳ quốc gia nào. Điều quan trọng cần khẳng định là chúng tôi không yêu cầu bất kỳ ai phải chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc…

Cũng giống như Mỹ, Trung Quốc là một quốc gia nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi hoan nghênh sự tham gia có tính xây dựng của họ trong việc củng cố hệ thống quốc tế dự trên các nguyên tắc rõ ràng và minh bạch.

Thực tế chúng tôi hoan nghênh đầu tư từ mọi quốc gia nếu đó là những khoản tiền vì mục đích thương mại thuần túy, minh bạch và tuân thủ luật pháp quốc tế.”

Đại sứ Donovan cũng nói rằng “không có quốc gia nào đầu tư vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhiều như Mỹ” và “không giống các quốc gia khác, đầu tư ở đâu, chúng tôi tạo ra việc làm ở đó.”

Bài phát biểu của ông Donovan, nhà ngoại giao có thời gian làm việc tại Seoul, Đài Bắc và Tokyo, từng làm Tổng Lãnh sự Mỹ tại Hong Kong, là nhằm nêu lên mục tiêu của các cam kết mà Mỹ đưa ra với khu vực châu Á-Thái Bình Dương dựa trên “thương mại cũng như quan hệ song phương có đi có lại và cân bằng.”

Ông nhấn mạnh khoản đầu tư trị giá 1 nghìn tỷ USD mà Mỹ đã rót cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm 2017, vốn tăng gấp đôi từ năm 2009.

Những bình luận của ông Donovan được đưa ra trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ-Trung dường như mỗi ngày lại trở nên xấu đi.

Bên cạnh cuộc chiến thương mại, tranh cãi ngoại giao song phương liên quan đến việc bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu của Huawei đang đe dọa làm bùng lên một cuộc khủng hoảng toàn cầu toàn diện.

Bà Mạnh đã kiện chính phủ Canada, quốc gia dự kiến dẫn độ bà sang Mỹ để tòa án xét xử, trong khi hai tù nhân người Canada tại Trung Quốc bị cáo buộc tội danh đánh cắp bí mật quốc gia.

Thực tế, dưới áp lực của Mỹ, nhiều quốc gia cũng đã “cấm cửa” Huawei trước các hợp đồng triển khai mạng lưới 5G, trong đó có Australia.

[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Tác nhân làm ấm quan hệ Trung-Nhật-Ấn]

Tuy nhiên, Michaela Browning, Tổng Lãnh sự Australia tại Hong Kong, khẳng định chính sách thương mại của nước này đồng nghĩa với việc họ có thể duy trì quan hệ mạnh mẽ với cả Mỹ và Trung Quốc, hai nước đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Australia.

Bài phát biểu của ông Donovan cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều người đang đặt dấu hỏi về cam kết của Mỹ trong hệ thống thương mại đa phương, một phần là do quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Quyết định này đã nhiều lần bị chỉ trích trong hai ngày diễn ra sự kiện của AmCham. Một diễn giả khác là James McGregor, người phụ trách Trung Quốc đại lục tại hãng cố vấn APCO Worldwide, miêu tả sự ra đi của Mỹ là “điều ngu xuẩn nhất” mà quốc gia này làm nếu họ nghiêm túc muốn duy trì vị thế bá quyền ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bài phát biểu của ông Donovan dựa trên những bình luận trước đó của Tổng Lãnh sự Mỹ tại Hong Kong Kurt Tong, người cho rằng tầm nhìn của Mỹ trong khu vực “sâu sắc hơn hẳn việc chỉ rút khỏi những điều không tốt, đó là một nỗ lực làm những điều đúng đắn, tìm kiếm lợi ích chung cũng như đầu tư và thương mại chất lượng cao.”

Ông Tong chỉ trích cách truyền thông địa phương đưa tin về chiến lược của Mỹ theo chiều hướng tiêu cực, và cho rằng đó đúng ra là “các vấn đề trong cách hành xử của Trung Quốc đối với các quan hệ kinh tế, đặc biệt là tính minh bạch, quản trị và xử lý nợ.”

Cũng trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Donovan đã tập trung vào mối quan hệ thương mại và đầu tư của Mỹ với phần còn lại của châu Á và tiềm năng phát triển, nhất là trong các lĩnh vực như kinh tế số, cơ sở hạ tầng và năng lượng.

Cụ thể, ông nói rằng trữ lượng khí đốt dồi dào của Mỹ có thể giúp thỏa mãn cơn khát năng lượng của khu vực trong những thập kỷ tới.

Ông nói: “Tiêu thụ khí đốt tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ chiếm tới 80% khối lượng tiêu thụ trong một thập kỷ tới, đòi hỏi khoản đầu tư trị giá 80 tỷ USD cho hạ tầng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho ASEAN và Ấn Độ nói riêng.

Hiện sản lượng xuất khẩu LNG của Mỹ là 30 tỷ mét khối, và dự kiến con số này sẽ còn tăng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục