Chiến lược quốc gia AI: Công nghệ then chốt chuyển đổi số quốc gia

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam.
Chiến lược quốc gia AI: Công nghệ then chốt chuyển đổi số quốc gia ảnh 1Cận cảnh mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip mới được ban hành. (Nguồn: Vietnam+)

Trong bối cảnh AI có sự phát triển vượt bậc, AI đã và đang trở thành một trong những công nghệ then chốt thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, từ khâu số hóa dữ liệu, quy trình nghiệp vụ đến chuyển đổi mô hình hoạt động tại Việt Nam.

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Công nghệ then chốt

Việt Nam có những thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, đặc biệt công nghệ đột phá trong lĩnh vực AI. Thời gian qua, tại Việt Nam, với môi trường kinh doanh mở và nguồn nhân lực đam mê công nghệ, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực đã có bước phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy mối liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trong cả nước.

AI đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử... Công nghệ AI cũng đã mang lại cho Việt Nam sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua.

Trên thế giới và tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo được xem là một trong những công nghệ then chốt, công nghệ cốt lõi của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vì vậy, AI được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và lan tỏa sự phát triển của công nghệ trong tương lai.

Vì vậy, dữ liệu hóa, dữ liệu lớn đang nhanh chóng trở thành một trong hoạt động chủ đạo của các tổ chức công, việc sử dụng AI trong dữ liệu thu thập sẽ cải thiện việc hoạch định chính sách và quyết định trong phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, AI có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân, mang lại những lợi ích lớn cho xã hội và nền kinh tế thông qua chăm sóc sức khỏe tốt hơn, quản lý công hiệu quả hơn, giao thông an toàn hơn, ngành công nghiệp cạnh tranh hơn và canh tác bền vững.

[Chiến lược quốc gia về AI: Thách thức đối với hạ tầng dữ liệu]

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia sớm có chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.

Hiện nay, các giải pháp và thực hành AI trong khu vực công đang ở giai đoạn đầu của quá trình tự động hóa và phân tích dự đoán và những trường hợp sử dụng AI phức tạp hơn đang tiếp tục được áp dụng trong khu vực công.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với trọng tâm chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số đã tạo ra một cơ hội bình đẳng như nhau để Việt Nam bứt phá cùng với tất cả các quốc gia, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020.

Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

Thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030," đến nay các bộ, ngành, địa phương đã bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số.

Chiến lược quốc gia AI: Công nghệ then chốt chuyển đổi số quốc gia ảnh 2Ảnh minh họa.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số, khoảng hơn 40 nền tảng "Make in Việt Nam" được ra mắt hỗ trợ trong ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp được đẩy mạnh.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, vì vậy, các bộ, ngành, cấp từ trung ương đến địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Việc chuyển đổi số thành công sẽ góp phần mang lại lợi ích cho người dân.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với quá trình toàn cầu hóa, các doanh nghiệp sớm ứng dụng dữ liệu AI, công nghệ số để nâng cao năng suất, chất lượng.

Chúng ta ngày càng thông minh hơn nhờ dữ liệu loại bỏ yếu tố chủ quan trong quá trình phân tích, ra quyết định chính xác hơn. Nhờ đó, các hoạt động sẽ liên kết và tương tác với nhau nhiều hơn, tạo ra hiệu quả cao hơn.

Về nghiên cứu AI, các chuyên gia cho biết có nhiều khái niệm mới và nhiều sản phẩm demo xuất phát từ quá trình nghiên cứu, con người tận dụng nhiều mô hình mô phỏng để nâng cao hiệu quả của các ngành công nghiệp; ứng dụng và sản phẩm, chuỗi vòng đời sản xuất công nghiệp, nâng cao quy trình nghiệp vụ.

Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đã hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng AI, công nghệ nền tảng số vào xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp, trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục