Ngày 13/9, chính phủ mới thành lập ở Lebanon đã tiến hành phiên họp đầu tiên nhằm thảo luận cách thức đưa đất nước thoát khỏi một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Tham dự cuộc họp có Tổng thống Michel Aoun. Phát biểu tại cuộc họp, ông Aoun nhấn mạnh Lebanon cần sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các quỹ quốc tế cũng như khu vực.
Về phần mình, Thủ tướng Najib Mikati nhấn mạnh chính phủ sẽ giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu và thuốc men cho người dân. Trước đó, ông Mikati cũng từng tuyên bố việc nối lại các cuộc đàm phán với IMF là một vấn đề ưu tiên.
Dự kiến, tại cuộc họp, các bộ trưởng sẽ soạn thảo một tuyên bố để trình lên Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Tổng thống Aoun hy vọng ủy ban được giao nhiệm vụ soạn thảo tuyên bố trên sẽ đưa vào cả vấn đề theo đuổi các cuộc đàm phán với IMF.
[Lebanon: Thủ tướng được chỉ định từ bỏ nhiệm vụ thành lập nội các]
Các cuộc đàm phán với IMF về hỗ trợ tài chính là rất quan trọng để đưa Lebanon thoát khỏi tình hình khủng hoảng hiện nay. Theo thống kê, 3/4 dân số Lebanon hiện nay sống dưới mức nghèo đói, chỉ được sử dụng điện vài giờ trong ngày, trong khi thiếu xăng dầu, bánh mỳ và thuốc men.
Người dân Lebanon hy vọng chính quyền mới sẽ giúp đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng đã khiến đồng nội tệ mất giá đến 90% kể từ cuối năm 2019.
Trước đó, cùng ngày, Bộ tài chính Lebanon cho biết ngân hàng trung ương nước này sẽ nhận được 1,135 tỷ USD dưới hình thức quyền rút vốn đặc biệt (SDR) từ IMF vào ngày 16/9 tới. Theo đó, phân bổ SDR của IMF cho Lebanon bao gồm 860 triệu USD cho năm 2021 và 275 triệu USD từ năm 2009.
Ngày 10/9 vừa qua, Văn phòng Tổng thống Lebanon thông báo chính phủ mới đã được thành lập sau hơn 1 năm nước này không có nội các. Việc thành lập chính phủ mới đã mở đường cho Lebanon nối lại các cuộc đàm phán với IMF./.