Theo AFP và Reuters, ngày 24/4, Pháp thông báo đóng cửa Đại sứ quán nước này ở Sudan "cho đến khi có thông báo tiếp theo" và sẽ không còn đóng vai trò là điểm tập trung những người nước ngoài đang tìm cách rời khỏi Sudan.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ thông báo đã đóng cửa đại sứ quán nước này ở Khartoum và sơ tán các nhân viên ngoại giao cùng gia đình họ khỏi Sudan.
Trên Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis nêu rõ phần lớn nhân viên ngoại giao được sơ tán đến Cộng hòa Djibouti, số còn lại được sơ tán đến Ethiopia, với sự hỗ trợ của Pháp.
Trong ngày 23/4, sân bay chính tại thủ đô Khartoum là điểm nóng giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RFS). Sân bay này đang nằm dưới sự kiểm soát của RSF.
Hiện một số hoạt động sơ tán đang được tiến hành gấp rút tại thành phố Port Sudan trên Biển Đỏ, cách Khartoum khoảng 850km.
Ngoài các quốc gia thông báo sơ tán công dân trong những đợt đầu tiên gồm Saudi Arabia (hơn 150 người), Mỹ (hơn 100 người), Pháp (khoảng 100), Anh, Italy.., mới đây Ai Cập tuyên bố đã đưa 436 công dân về nước an toàn bằng đường bộ.
Giới chức quốc gia Bắc Phi này xác nhận đã triển khai lực lượng an ninh tới biên giới giáp Sudan và phối hợp với chính quyền sở tại để đảm bảo cho hoạt động sơ tán công dân. Đức, Tây Ban Nha cũng thông báo mỗi quốc gia đã sơ tán được khoảng 100 người.
[Cảnh các quốc gia sơ tán khỏi chảo lửa Khartoum của Sudan]
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận bắt đầu triển khai chiến dịch tương tự, đưa khoảng 600 công dân về nước bằng đường bộ.
Tuy nhiên, kế hoạch đã phải hoãn lại tại một khu vực ở Khartoum sau khi xảy ra nhiều vụ nổ gần một nhà thờ Hồi giáo được chỉ định là điểm tập trung những người cần sơ tán.
Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra xác nhận công dân nước này đã được phía Pháp hỗ trợ sơ tán bằng máy bay. Một nhóm khác rời Khartoum bằng đường bộ trên một đoàn xe của Liên hợp quốc.
Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho biết đã điều động khoảng 140-150 binh sỹ sơ tán các nhân viên ngoại giao và công dân của nước này rời Sudan.
Về phần mình, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani thông báo trong khoảng 200 người mà Rome lên kế hoạch sơ tán, ngoài công dân Italy, còn có công dân Thụy Sĩ và các đại diện của Tòa thánh Vatican.
Phía Hy Lạp cho biết nhóm người sơ tán đầu tiên của nước này đã rời Sudan nhờ sự hỗ trợ của Pháp.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ireland nêu rõ chính phủ nước này đang triển khai 12 nhân viên quốc phòng tới Djibouti để hỗ trợ 150 công dân rời khỏi Sudan./.