Chính phủ Yemen sẽ tấn công Hodeida nếu Houthi từ chối rút lui

Tuyên bố để ngỏ khả năng tiến hành tấn công quân sự nhằm vào thành phố cảng Hodeida được đưa ra trong bối cảnh các bên đối địch ở Yemen đang tham gia cuộc đàm phán tại Thụy Điển.
Chính phủ Yemen sẽ tấn công Hodeida nếu Houthi từ chối rút lui ảnh 1Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom (giữa, thứ 2, trái), Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Yemen Martin Griffiths (giữa, thứ 2, phải) cùng đại điện của Chính phủ được quốc tế công nhận ở Yemen và lực lượng nổi dậy Hồi giáo dòng Shiite Houthi tại cuộc hòa đàm ở Stockholm ngày 6/12/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 7/12, Yemen tuyên bố để ngỏ khả năng tiến hành tấn công quân sự nhằm vào thành phố cảng Hodeida, nếu lực lượng phiến quân Houthi từ chối rút khỏi đây.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các bên đối địch ở Yemen đang tham gia cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ tại Thụy Điển.

Truyền thông khu vực dẫn phát biểu của Bộ trưởng Nông nghiệp Yemen Othman al-Mujalli nêu rõ hai bên đang tiến hành đàm phán theo lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc và đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Martin Griffiths. Mặc dù vẫn xem xét các biện pháp nhằm hướng tới hòa bình, song nếu Houthi không hợp tác phù hợp, Chính phủ Yemen có nhiều phương án lựa chọn, trong đó có việc tiến hành chiến dịch quân sự.

Cùng ngày, một số nguồn tin cho hay Chính phủ Yemen đã đề xuất mở cửa trở lại sân bay ở thủ đô Sanaa do lực lượng phiến quân Houthi chiếm đóng, với điều kiện máy bay sẽ phải được kiểm tra trước tại sân bay Aden và Sayun, vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ.

[LHQ kêu gọi các bên tại Yemen đàm phán không cần điều kiện tiên quyết]

Trước đó một ngày, tại thị trấn Rimbo ở phía Bắc thủ đô Stockholm, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom đã khai mạc cuộc hòa đàm Yemen với sự tham gia của các phe phái đối địch ở quốc gia Arab này. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên trong hai năm qua nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Yemen đã khiến ít nhất 10.000 thiệt mạng kể từ năm 2015 và gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo mà Liên hợp quốc cho là tồi tệ nhất trên thế giới.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận.

Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi, khiến cho xung đột leo thang. Các nỗ lực nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình tại Yemen hồi tháng Chín vừa qua tại Thụy Sĩ đã thất bại do phiến quân Houthi không tham dự.

Lực lượng này đòi hỏi cộng đồng quốc tế đảm bảo an ninh chắc chắn hơn cho phái đoàn đàm phán của lực lượng này trên đường di chuyển qua các vùng biển và không phận mà liên minh Arab phong tỏa từ năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục