Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ hội đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Bà Rịa-Vũng Tàu với quy mô đầu tư hơn 18 tỷ USD.
Xung quanh đề xuất này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.
- PVN vừa có đề xuất xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu với quy mô hơn 18 tỷ USD. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về tính khả thi của đề xuất này trong bối cảnh Việt Nam đã có hai nhà máy lọc dầu?
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập: Hiện nguồn cung xăng dầu trong nước từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Lọc dầu Nghi Sơn và các nhà máy chế biến condensate là khoảng 12,2 triệu tấn và dự kiến tăng lên khoảng 13,5 triệu tấn sau khi mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường trong nước hiện vào khoảng 18 triệu tấn/năm, hai nhà máy lọc dầu trong nước nếu chạy đủ công suất sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu.
Tuy nhiên, khả năng sản xuất trong nước sẽ chỉ đáp ứng được 50% cho năm 2025 và 40% cho năm 2030. Vì vậy, Việt Nam sẽ thiếu hụt lớn xăng dầu nếu không đầu tư xây nhà máy lọc hóa dầu mới.
- Năm 2018, PVN đã rút khỏi dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam quy mô 5,1 tỷ USD do không được Chính phủ bảo lãnh vay vốn cho tập đoàn. Vậy theo ông đề xuất xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu với quy mô đầu tư lên đến 18,5 tỷ USD lần này liệu có khả thi?
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập: Vấn đề là cách tiếp cận. Hiện nay nhận thức của các cấp từ người dân đến lãnh đạo các bộ ngành, Chính phủ đã có sự thay đổi trước vấn đề an ninh năng lượng và dự trữ quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm từ việc đầu tư dự án lọc dầu Dung Quất và dự án lọc dầu Nghi Sơn; trong đó Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang hoạt động hiệu quả, còn Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dù vẫn có những tồn tại nhưng về tổng thể Việt Nam được hưởng lợi từ dự án này.
[Chủ tịch Quốc hội: Quyết liệt xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài]
Vì vậy, việc đề xuất xây dựng tổ hợp lọc dầu thứ ba sử dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở tích hợp các bài học kinh nghiệm là ý tưởng tốt, cần được sự ủng hộ từ phía Chính phủ để có thể sớm tổ chức nghiên cứu tiền khả thi, khả thi. Sau khi có các nghiên cứu như vậy thì mới có các quyết định cuối cùng.
Hội Dầu khí Việt Nam sẽ đóng góp những tư vấn phản biện nếu đề xuất này được cho phép nghiên cứu tiền khả thi và khả thi.
- Từ bài học PVN phải rút khỏi Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, theo ông đâu là cơ chế ứng xử phù hợp với dự án lọc dầu mới này nếu đề xuất của PVN được thông qua? Ngoài ra với những khúc mắc từ dự án Nghi Sơn, đâu là bài học kinh nghiệm để triển khai dự án lọc dầu mới?
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập: Tôi cho rằng nếu bão lãnh Chính phủ cho việc vay vốn không được chấp nhận thì với tài sản hiện nay của PVN, Chính phủ chỉ cần chấp nhận cơ chế để PVN được thế chấp tài sản hoặc thế chấp bằng chính dự án thì các tổ chức quốc tế sẽ sẵn sàng cho vay.
Bên cạnh đó, từ bài học của Nghi Sơn vừa qua, nếu dự án được thông qua thì PVN cần có sự chuẩn bị cho đàm phán lựa chọn đối tác đầu tư kỹ lưỡng hơn nữa cũng như các điều khoản chi tiết hơn nữa.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho nhà máy lọc dầu mới trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu thô trong nước ngày càng suy giảm, PVN cần tính toán kỹ lưỡng việc nhập khẩu dầu thô nguyên liệu; trong đó cần phải có hợp đồng dài hạn, đảm bảo an toàn hơn.
Việc cam kết nguồn cung dầu thô luôn bị ràng buộc vào những điều kiện khác nên phải có ứng xử linh hoạt, không cứng nhắc như bài học tại hai Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.
- Trong đề xuất của PVN lần này có bao gồm việc xây dựng kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông nhìn nhận như thế nào về tính cấp bách của đề xuất này?
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập: Việc xây dựng kho ngầm để tàng trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó với biến động thị trường lúc giá dầu giảm sâu hoặc tăng cao.
Với công suất của kho dự trữ được PVN đề xuất chỉ ở mức 1 triệu tấn dầu thô và 500.000 tấn sản phẩm xăng dầu, tôi cho rằng quy mô như vậy vẫn là khiêm tốn.
Thực tế là 500.000 tấn xăng dầu dự trữ chỉ mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong 10 ngày hiện nay.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!