Chủ tịch nước thị sát tình hình kinh tế-an ninh tại Thổ Châu

Ngày 3/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm và khảo sát tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tại xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Chủ tịch nước thị sát tình hình kinh tế-an ninh tại Thổ Châu ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi nhân dân xã đảo Thổ Chu. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ngày 3/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã đi thăm và khảo sát tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tại xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Sau khi đến dâng hương tại đền Thổ Châu, nơi thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cùng hơn 500 đồng bào bị thảm sát trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đảo năm 1975, Chủ tịch nước đã đến thăm, tặng quà gia đình bà Huỳnh Kim Báu, đối tượng chính sách, thuộc tổ 6, ấp Bãi Ngự, xã Thổ Chu; đến cầu cảng Thổ Châu khảo sát hiệu quả đầu tư của công trình sau khi đưa vào sử dụng.

Tại đây, Chủ tịch đã hỏi chuyện các chủ tàu, thuyền viên về tình hình khai thác hải sản, bám sát ngư trường. Tiếp đó, Chủ tịch đã đến thăm cột mốc chủ quyền xã Thổ Châu; động viên cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu, Trung đoàn 152, Trạm radar 610.

Tại Ủy ban nhân dân xã Thổ Châu, Chủ tịch nước đã nghe lãnh đạo chính quyền, đoàn thể xã báo cáo về tình hình kinh tế xã hội địa phương. Xã Thổ Châu là một trong hai xã đảo của huyện Phú Quốc, cách đảo Phú Quốc khoảng 100km về hướng Tây Nam, có diện tích 16km2, gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ, cách hải phận quốc tế 22 km; có 513 hộ với 1.912 nhân khẩu; có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Đây cũng là nơi có ngư trường khai thác, đánh bắt hải sản rộng lớn, có nhiều hải sản giá trị cao.

Từ ngày thành lập đến nay, kinh tế xã hội của đảo phát triển rõ nét. GDP tăng hơn 13 lần so với ngày mới thành lập. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 15 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách đạt 5,7 tỷ đồng. Hệ thống thông tin liên lạc được phủ sóng cho toàn quần đảo.

Hệ thống trường lớp từ mẫu giáo đến lớp 9 được quan tâm đầu tư tốt với 22 giáo viên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học của con em trên đảo; an ninh trật tự được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, xã Thổ Châu còn những tồn tại yếu kém. Đó là kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; chủ yếu là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở quy mô nhỏ; công tác quản lý đất đai; quản lý quy hoạch cũng như kết cấu hạ tầng còn hạn chế.

Hoạt động đi lại từ đảo đến Phú Quốc và Rạch Giá còn trở ngại. Nước sinh hoạt gặp khó khăn trong mùa khô hạn. Trình độ cán bộ công chức xã còn yếu và thiếu; chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; nhất là trong giai đoạn huyện Phú Quốc phát triển nhanh.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao tỉnh đã duy trì tình hình cơ bản ổn định, tiếp tục phát triển trên nhiều mặt.

Cùng với tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 8,9%, kim ngạch xuất khẩu đạt 223 triệu USD, Kiên Giang nhiều năm liền đứng đầu cả nước về sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Một số công trình trọng điểm, then chốt được tập trung đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; tuyến cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc... đã mang lại đổi thay về hạ tầng cho vùng nông thôn của tỉnh nói chung, địa bàn biển đảo Phú Quốc nói riêng.

Cơ sở vật chất, nhân lực tiếp tục được tăng cường, chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn; quốc phòng an ninh đối ngoại được tăng cường.

Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng còn những tồn tại như việc cụ thể hóa và triển khai quán triệt, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương ở một số cấp ủy còn chậm. Kinh tế xã hội một số lĩnh vực đạt thấp, giảm so với cùng kỳ. Tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng diễn biến phức tạp.

Đề nghị tỉnh khẩn trương rà soát điều kiện tự nhiên, xã hội để có giải pháp tăng trưởng nhanh, bền vững đặc biệt trong khoảng thời gian cuối nhiệm kỳ Đại hội, Chủ tịch gợi mở, để phát huy lợi thế kinh tế biển, cùng với giữ vững các thị trường xuất khẩu, phải tranh thủ thị trường các nước như Nhật Bản, EU, Nga đang mở cửa với Việt Nam, Kiên Giang cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh tăng sản lượng nông phẩm, hải sản xuất khẩu.

Nhấn mạnh thế mạnh của du lịch trong cơ cấu kinh tế của Kiên Giang, Chủ tịch cho rằng Phú Quốc không chỉ có vai trò quan trọng với Kiên Giang mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu huyện đảo Phú Quốc có được cú hích phát triển mang tính đột phá thì hiệu quả sẽ mang lại cho cả vùng.

Về ứng phó với biển đổi khí hậu, Chủ tịch đề nghị lãnh đạo tỉnh tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WB để thúc đẩy hợp tác.

Ghi nhận ý kiến của tỉnh Kiên Giang cho rằng cần xem xét nâng cấp hành chính xã Thổ Châu thành huyện, đồng thời có đề án phát triển tổng thể để tương xứng với vai trò vị trí chiến lược của Thổ Châu, Chủ tịch đề nghị các cấp chính quyền phải có giải pháp căn cơ. Trước mắt, cần tập trung chăm lo cho cuộc sống người dân xã đảo, xem đây vừa là mục tiêu kinh tế xã hội, vừa mang ý nghĩa quốc phòng an ninh.

Với vị trí đặc biệt quan trọng của Thổ Châu, tỉnh cần nghiên cứu áp dụng một cơ chế hành chính như cấp huyện trực thuộc tỉnh với bộ máy gọn nhẹ như kinh nghiệm một số địa phương đã áp dụng; đảm bảo chủ động cho cả hai nhiệm vụ quốc phòng an ninh và kinh tế xã hội.

Chủ tịch đề nghị tỉnh sớm có đề án phát triển tổng thể để trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Khen ngợi môi trường sinh thái rừng biển ở Thổ Châu được gìn giữ tương đối tốt, Chủ tịch cho rằng, trong chiến lược phát triển kinh tế, Thổ Chu không nên tăng lượng dân nhập cư, vì có thể dẫn đến những hệ lụy xấu tác động đến môi trường sinh thái.

Chủ tịch căn dặn các lực lượng vũ trang xác định rõ tầm quan trọng chiến lược của hệ thống đảo ven bờ, trong đó có Thổ Châu, nâng cao ý thức, tăng cường huấn luyện; chủ động xử lý hiệu quả kịp thời các tình huống. Cùng với khắc phục khó khăn về điều kiện xa đất liền, các đơn vị cần tăng cường đối ngoại quốc phòng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân; hỗ trợ người dân địa phương phát triển kinh tế.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dâng hương tưởng niệm đồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại nhà riêng của đồng chí Võ Chí Công ở số 76/14 đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thành kính thắp nén hương tưởng niệm đồng chí Võ Chí Công, một người con ưu tú của đất nước, người lãnh đạo kiên trung, tài năng của Đảng, một chiến sỹ cách mạng kiên cường, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục