Chuẩn hóa thông tin di động góp phần hạn chế lừa đảo qua điện thoại

Để hạn chế kẻ gian dùng số điện thoại thực hiện hành vi lừa đảo, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng chuẩn hóa thông tin đối với thuê bao di động, khóa những thuê bao không chuẩn hóa thông tin.
Chuẩn hóa thông tin di động góp phần hạn chế lừa đảo qua điện thoại ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong xu thế điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, nhiều hoạt động hàng ngày của người dân như trao đổi thông tin, giao dịch tài chính, đặt hàng, thanh toán… đều thực hiện qua điện thoại.

Do đó, các hình thức lừa đảo qua điện thoại cũng ngày càng đa dạng. Để hạn chế kẻ gian dùng số điện thoại thực hiện hành vi lừa đảo, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin đối với thuê bao di động, khóa những thuê bao không chuẩn hóa thông tin.

Nhiều chiêu trò lừa đảo

Sau nhiều lần xem quảng cáo thực phẩm chức năng trên tivi, bà Trần Thị Phượng (63 tuổi, ngụ tại quận Ba Đình, Hà Nội) đã gọi điện đặt hàng và để lại địa chỉ liên lạc để gửi hàng.

Thời gian sau, bà Phượng liên tục nhận được các cuộc gọi, tư vấn sức khỏe, mời mua hàng, mời tham gia buổi trải nghiệm sản phẩm trị liệu…, thậm chí cả mời gọi đầu tư chứng khoán, nghỉ dưỡng, mời vay tiền nhanh với thủ tục đơn giản. Không chỉ có các cuộc điện thoại, bà Phượng còn nhận được tin nhắn mời mua SIM điện thoại, tuyển dụng việc nhẹ, lương cao…

Liên tục bị làm phiền vì những cuộc gọi, tin nhắn rác, bà Phượng cảm thấy bất lực và lo lắng vì không biết lúc nào mình sẽ trở thành nạn nhân của trò lừa đảo.

Việc nhận tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo là hiện tượng rất phổ biến, hầu như người dân nào sử dụng điện thoại di động cũng từng trải qua. Khi đối tượng gọi đúng số điện thoại, thậm chí gọi đích danh tên người nghe, điều này có nghĩa là thông tin cá nhân của họ đã bị lộ.

[Khóa một chiều với SIM điện thoại không chuẩn hóa thông tin từ 1/4]

Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam cho biết việc để lộ, lọt thông tin cá nhân có nhiều nguồn khác nhau như mua dữ liệu cá nhân từ nhiều nguồn bất chính trên mạng, lấy thông tin từ những người liên quan đến đối tượng, đôi khi do chính người dùng đã để lọt thông tin cá nhân khi khai báo, sử dụng các ứng dụng trên mạng, qua các app điện thoại…

Gần đây, chuyên gia an ninh bảo mật đã đưa ra cảnh báo về chiêu thức lợi dụng công nghệ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên Deepfake để mạo danh lừa đảo với hình thức hoàn toàn mới. Công nghệ Deepfake có khả năng làm giả video và giọng nói của một người dựa trên nguồn dữ liệu được cung cấp.

Trước đây, đối tượng lừa đảo thực hiện các cuộc gọi video mạo danh trên các ứng dụng liên lạc (Messenger, Zalo…) bằng cách dùng một tấm ảnh của người bị mạo danh rồi áp dụng hiệu ứng làm hình ảnh có vẻ hơi cử động.

Hiện nay, với công nghệ Deepfake, kẻ lừa đảo có thể tạo ra một đoạn video với hình ảnh chuyển động như thật, được lồng tiếng bằng giọng nói giống với người bị mạo danh. Vừa nói chuyện, vừa nhìn thấy mặt người gọi, kẻ lừa đảo đã dùng công nghệ Deepfake, thông qua cuộc gọi có hình (video call) để thực hiện hành vi lừa gạt.

Theo phản ánh trên các trạng mạng xã hội, nhiều vụ việc đã xảy ra trên thế giới và bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Điểm chung của những thủ đoạn trên là tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu, người thân phạm tội bị cơ quan chức năng bắt giữ, đang cần tiền để giải quyết, đang gặp khó khăn trong công việc, cần một khoản tiền để giải quyết nhanh rồi sẽ trả lại sau...

Đặc điểm của những cuộc gọi như vậy thường có tín hiệu không ổn định, hình ảnh không rõ ràng mặc dù vẫn mang những nét tương đồng về hình ảnh hoặc giọng nói của người đó. Thậm chí, cách xưng hô cũng giống do những thông tin, thói quen của người dùng đã bị công nghệ thu thập, nghiên cứu trước khi tạo hình ảnh giả mạo.

Theo thống kê của cơ quan công an, một số thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao thường sử dụng, thông qua điện thoại để lừa đảo gồm làm giả tài khoản mạng xã hội; sử dụng công nghệ Deepfake giả cuộc gọi video để vay tiền, nhờ chuyển khoản; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án nhắn tin, gọi điện; giả danh hải quan, công an thanh lý xe “trốn thuế;” cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản rồi gọi điện đòi; mạo danh nhân viên y tế, giáo viên, gọi điện báo học sinh bị tai nạn.

Chuẩn hóa thông tin di động góp phần hạn chế lừa đảo qua điện thoại ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngoài ra, còn có các hình thức lừa đảo mời gọi đầu từ tài chính, tiền ảo trên web, ứng dụng giả, quảng cáo cho vay tiền online với thủ tục đơn giản, giả mạo thương hiệu, nhãn hàng tặng quà tri ân nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập, giả mạo nhân viên công ty sổ số cho biết trước kết quả để mời mua xổ số, thông qua mạng xã hội kêu gọi quyên góp, ủng hộ tiền làm từ thiện, gửi mã QR nhờ bình chọn cuộc thi hoặc kết bạn Zalo…

Dù khác nhau về cách tiếp cận ban đầu, tuy nhiên bước sau cùng của tất cả các chiêu trò lừa đảo người bị hại đều nhận được yêu cầu thanh toán tiền, chuyển tiền vào tài khoản lạ. Sau khi chuyển khoản, nạn nhận không thể liên lạc với số điện thoại vừa gọi, cũng như không dễ dàng gì lấy lại được số tiền đã chuyển.

Lời khuyên của chuyên gia công nghệ là khi gặp những tình huống nghi ngờ bị lừa đảo, đầu tiên người dân cần bình tĩnh; sau đó cố gắng xác minh những thông tin mới nhận được từ vài nguồn khác nhau trước khi thực hiện việc chuyển tiền.

Khi bị lừa đảo qua điện thoại, việc truy tìm, đấu tranh với loại tội phạm này của lực lượng chức năng thường gặp nhiều khó khăn do sự thay đa dạng của cách thức lừa đảo và việc xóa dấu vết nhanh chóng của tội phạm. Đồng thời, để tránh trở thành nạn nhân của trò lừa đảo mới, các chuyên gia an ninh khuyến cáo mọi người không nên trả lời các cuộc gọi từ số lạ, đầu số không phổ biến.

Nếu đã lỡ nhấc máy nhận cuộc gọi, phát hiện ra người lạ, nên nhanh chóng dập máy. Việc nghe máy, trả lời sẽ xác nhận rằng số điện thoại đang hoạt động, khiến kẻ gian có cơ sở để tiến hành nhiều cuộc gọi tiếp theo.

Triệt để xử lý SIM không chuẩn hóa thông tin

Để xử lý SIM rác, thuê bao không chính chủ, từ đó hạn chế các đối tượng xấu sử dụng số thuê bao di động thực hiện hành vi lừa đảo qua cuộc gọi, tin nhắn, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông thực hiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.

Theo báo cáo của các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam, trong hơn 3,84 triệu SIM thuê bao di động doanh nghiệp viễn thông xác định phải chuẩn hóa do sai thông tin so với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã có 2,17 triệu SIM được chuẩn hóa thông tin cá nhân, chiếm khoảng 56%.

Chuẩn hóa thông tin di động góp phần hạn chế lừa đảo qua điện thoại ảnh 3Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Còn lại, từ ngày 1/4 vừa qua, các nhà mạng tiến hành khóa 1,67 triệu SIM thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin. Đến ngày 15/4 tới, các nhà mạng viễn thông sẽ tiếp tục khóa dịch vụ 2 chiều với những SIM chưa chuẩn hóa thông tin. Từ ngày 15/5 tới, số thuê bao di động không chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi. Như vậy, từ nay đến ngày 15/5 tới, người dùng di động cần chủ động chuẩn hóa thông tin thuê bao để tránh bị thu hồi số điện thoại đang dùng.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc chuẩn hóa thông tin thuê bao được thực hiện độc lập giữa các nhà mạng viễn thông và sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Ở góc độ người sử dụng, hiện nay mọi người dân đang dùng điện thoại thông minh vào nhiều hoạt động hàng ngày, như mở tài khoản ngân hàng, đăng nhập tài khoản ngân hàng, các app ứng dụng tiện ích mua sắm, tài khoản mạng xã hội, tài khoản học… đăng ký các giao dịch trực tuyến bằng số điện thoại.

Việc chuẩn hóa thông tin là tạo ra sự thống nhất, nhất quán thông tin cá nhân, từ đó tạo ra môi trường dịch vụ thông tin di động văn minh, an toàn cho các hoạt động giao dịch có liên quan đến số điện thoại. Ngoài ra, việc mỗi người dân đều dùng số điện thoại di động đã chuẩn hóa thông tin sẽ giúp nhà mạng có cơ hội phát triển thêm nhiều dịch vụ, ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Bằng cách chủ động thực hiện chuẩn hóa thông tin, người dùng di động đã chung tay cùng với đơn vị quản lý Nhà nước và nhà mạng tạo ra môi trường mạng di động văn minh, giảm bớt những hệ lụy từ những thông tin thuê bao không chính xác, không chính chủ.

Với những nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực viễn thông, di động, với sự quyết tâm của các nhà mạng viễn thông và sự chủ động hợp tác của người dân trong vấn đề chuẩn hóa thông tin di động, hy vọng môi trường di động của Việt Nam sẽ trở nên minh bạch, an toàn hơn.

Theo đó, số lượng tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo sẽ được quản lý chặt chẽ hơn và số vụ lừa đảo qua điện thoại di động sẽ giảm trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục