Chương trình bồi thường cho trường hợp gặp phản ứng phụ do vắcxin

WHO và các đối tác nhất trí khởi động chương trình bồi thường cho các trường hợp gặp phản ứng phụ nghiêm trọng do tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại 92 nước nghèo trên thế giới.
Chương trình bồi thường cho trường hợp gặp phản ứng phụ do vắcxin ảnh 1Vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca. (Nguồn: AP)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác đã nhất trí khởi động chương trình bồi thường cho các trường hợp gặp phản ứng phụ nghiêm trọng do tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại 92 nước nghèo trên thế giới bao gồm các nước nghèo tại châu Phi và Đông Nam Á.

Trong thông báo ngày 22/2, WHO cho biết chương trình No-Fault Compensation (tạm dịch: Bồi thường không lỗi) là cơ chế đầu tiên và duy nhất trên quy mô toàn cầu bồi thường các trường hợp chịu ảnh hưởng của vắcxin.

Đối tượng được bồi thường là những người tham gia tiêm chủng loại vắcxin được phân phối theo Chương trình phân phối vắcxin toàn cầu (COVAX) do WHO dẫn đầu.

Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2022, trong đó bồi thường một cách nhanh chóng, công bằng và minh bạch cho những cá nhân gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, tránh các vụ kiện pháp lý mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc. Hồ sơ yêu cầu bồi thường sẽ được tiếp nhận qua cổng điện tử www.covaxclaims.com từ ngày 31/3/2021.

[Hơn 200 triệu liều vắcxin COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu]

WHO khẳng định toàn bộ vắcxin được phân phối trong COVAX đều phải được cấp phép lưu hành hoặc cấp phép sử dụng khẩn cấp để xác thực độ an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát sinh các trường hợp gặp phản ứng phụ là điều khó có thể tránh khỏi, tương tự các loại thuốc dù được cấp phép lưu hành, song nhiều trường hợp hiếm hoi vẫn gặp phải những phản ứng phụ nghiêm trọng.

Chương trình bồi thường sẽ do ESIS, một chi nhánh của Chubb Limited, công ty bảo hiểm đa quốc gia có trụ sở tại Zurich (Thụy Sĩ), điều hành. Theo WHO, nguồn quỹ bồi thường sẽ do Liên minh vắcxin Gavi đảm nhận thông qua khoản phí tính trên tất cả các liều vắcxin COVID-19 được phân phối qua COVAX.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh thỏa thuận này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn và tạo dựng niềm tin đối với vắcxin cứu sống mạng người - vốn là điều mà người dân nhiều nước đang quan ngại và cản trở công tác tiêm chủng tại nhiều nước.

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang chống chọi với dịch bệnh COVID-19, các chương trình tiêm chủng đã được triển khai tại nhiều nước với các loại vắcxin đã được cấp phép sử dụng.

Báo cáo của WHO cho biết tính đến ngày 19/2 vừa qua, còn 251 loại vắcxin ngừa COVID-19 tiềm năng đang được phát triển trên toàn thế giới; trong đó có 70 loại vắcxin đang được thử nghiệm tại các nước như Đức, Trung Quốc, Nga, Anh và Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục