Chuyện chưa kể về những hành khách trên Titanic

Nữ ca sỹ người Bỉ Bertha Mayné đã bắt đầu mối tình bí mật với vận động viên khúc côn cầu người Canada Quigg Baxter khi ở trên tàu.
Vào ngày 15/4/1912, khi con tàu Titanic bị đắm ngoài khơi bờ biển Labrador và Newfoundland, trên tàu có 27 người Bỉ và chỉ có 7 người sống sót sau thảm họa. Một vài người sau đó định cư tại Mỹ.

Có ba người Bỉ ở vùng nói tiếng Hà Lan (Flanders) thậm chí đã kiếm tiền bằng việc đi hầu khắp nước Mỹ để kể về kỷ niệm kinh hoàng của họ.

Phần lớn những người Bỉ đi trên con tàu huyền thoại này đều ở vùng Đông hoặc Tây Flanders và hầu như đều là công nhân. Họ quyết định thử vận may tại nước ngoài với hy vọng tìm thấy tương lai tươi sáng hơn, vì khi đó ở Bỉ đang diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

25 người Bỉ là hành khách trên tàu Titanic, chủ yếu là những nhóm nhỏ gia đình hoặc bạn bè.

Có hai người Bỉ làm việc trên tàu Titanic là Georges Aspeslagh đến từ Ostend, làm người phục vụ bàn trong nhà hàng hạng nhất trên tàu, còn Georges Krins đến từ Liege, là nhạc công chơi đàn violin trong dàn nhạc nhỏ của Titanic. Hai người này được cho là không có cơ hội sống sót.

Gia đình nghèo của Van Impe, đến từ Kerksken, gần Aalst, không đủ tiền mua vé tàu nhưng đã quyết định bán mọi thứ họ có để chi trả cho chuyến đi.

Jean-Baptist Van Impe, vợ là Rosalie Govaert và con gái Catharina tất cả đều đã bỏ mạng trong thảm họa này.

Có hai người Bỉ lên tàu với vé hạng nhất đó là nữ ca sỹ chuyên hát trong quán rượu Bertha Mayné và người buôn bán kim cương gốc Do Thái Jacob Birnbaum.

Bertha Mayné đã bắt đầu mối tình bí mật với vận động viên khúc côn cầu người Canada Quigg Baxter khi ở trên tàu. Người ta nói rằng chỉ đến khi chiến dịch cứu hộ bắt đầu, đôi tình nhân này mới cho mẹ của Baxter, cùng đi trên con tàu này, biết về mối tình của họ.

Jacob Birnbaum lẽ ra không có mặt trên tàu Titanic. Anh ta đã đặt vé đi sớm hơn, nhưng gia đình thuyết phục anh ở lại Antwerp cho đến hết kỳ nghỉ Phục sinh.

Trong số 7 người Bỉ sống sót sau thảm họa, có 3 người đàn ông là Jean Scheerlinck, Jules Sap và Theodoor De Mulder.

Cả ba có những câu chuyện khác nhau về việc làm sao họ còn sống sót, họ kể họ đã nhảy xuống nước ngay trước khi con tàu chìm hẳn, nhưng cũng có thể ít nhất một người trong số họ đã chiếm được một chỗ trong một trong những chiếc phao cứu sinh. Rất có thể cả ba hoặc đã bịa ra một câu chuyện hoặc thêm thắt những chi tiết ly kỳ vào câu chuyện vì họ biết sau này họ sẽ phải giải thích lý do họ sống sót.

Chiến dịch cứu hộ khi con tàu gặp nạn được ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em, còn đàn ông sẽ bị coi là hèn nhát nếu ngồi vào phao cứu sinh. Dẫu sao, Jules, Jean và Theodoor đã đến được New York, không một xu dính túi vì họ đã mất sạch mọi thứ trong đêm xảy ra thảm họa.

Họ quyết định đi nhiều nơi trên nước Mỹ để kể về câu chuyện của họ nhằm kiếm tiền, nhưng rồi người quản lý của họ đã cuỗm sạch số tiền và chạy trốn. Sau đó, họ được nhận một khoản tiền bồi thường của Hội Chữ thập Đỏ vì là nạn nhân của bi kịch tàu Titanic.

Jules Sap trở thành người Bỉ sống sót nổi tiếng nhất thế giới sau thảm họa. Sau khi trở về quê hương, ông đã sống một cuộc đời bình lặng suốt 45 năm tại Hooglede. Hầu như tất cả mọi người đều đã quên rằng ông ta là người đã sống sót sau một thảm họa lớn. Cho mãi đến năm 1958, khi bộ phim “Atlantiek, Latitude, 41°” được công chiếu tại các rạp chiếu phim của Bỉ, ông mới kể về câu chuyện của mình.

Nhà báo Bỉ Dirk Musschoot, tác giả cuốn sách “100 năm Titanic,” cho biết: “Đến lúc đó ông ấy mới trở thành người nổi tiếng thực sự. Ông là người duy nhất đã thực sự có thể vượt qua được cú sốc về mặt lý trí. Trong khi những người khác tiếp tục bị bi kịch đó dằn vặt theo cách này hoặc cách khác.”

Musschoot còn cho biết: “Chỉ đến lúc đó ông ấy mới dùng đến câu chuyện thật về tàu Titanic. Ông ấy cùng con trai đã kiếm được bộn tiền sau khi đi từ rạp này sang rạp khác kể về kỷ niệm kinh hoàng của cuộc đời mình.”

Nhà báo người Bỉ Dirk Musschoot đã dành nhiều năm cố gắng tái tạo lại những câu chuyện của những người Bỉ có mặt trên con tàu Titanic, và hài lòng với kết quả là một cuốn sách đã ra đời.

Tuy nhiên, ông thừa nhận một cuốn sách như vậy “sẽ không bao giờ hoàn thành” vì những chi tiết mới luôn xuất hiện. Ông đã dành hàng chục năm để tìm hiểu các chi tiết về câu chuyện của từng người trong số 27 người Bỉ đi trên tàu Titanic như tại sao họ quyết định đi sang Mỹ hoặc Canada, làm thế nào cuối cùng họ lên tàu Titanic, và điều gì xảy ra với họ khi con tàu đâm vào tảng băng?

Ông Musschoot đã làm việc như một thám tử, đi ngược lại thời gian để tìm hiểu, và phỏng vấn con cháu của các nạn nhân và những người sống sót. Ông giải thích: " Tất cả bắt đầu vào năm 1987. Tôi bắt đầu hình thành ý tưởng về cuốn sách khi đọc một bài báo đề ngày từ tháng 4/1912."

Bài báo bao gồm một loạt tên tuổi nhưng rất khó đánh vần, và danh sách khách đi tàu nhưng không đầy đủ. “Bài báo nói tới 22 người Bỉ trên tàu Titanic, nhưng thực tế có 27 người. Việc tái tạo câu chuyện của những người sống sót, dĩ nhiên, là phần dễ dàng nhất. Phần khó nhất là tái tạo lại câu chuyện của những người đã khuất,” ông Musschoot nói.

Việc này chiếm khá nhiều thời gian rảnh của Musschoot, nhưng cuốn sách của ông ngày càng dày. Cuốn “100 năm Titanic" của ông lại vừa mới được tái bản. Ông cho biết: “Tôi vẫn tiếp tục nhận được những thông tin từ những người là cháu chắt của các nạn nhân xấu số của thảm họa này. Tôi luôn kiểm tra mọi thông tin và cố gắng tìm bằng chứng. Trên thực tế, cuộc tìm kiếm này không bao giờ kết thúc. Do đó, có thể nói rằng cuốn sách sẽ không bao giờ kết thúc vì các chi tiết mới luôn xuất hiện.”./.

Thái Vân/Brussels (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục