Chuyên gia Google nói về 'kìm hãm' trong phát triển AI tại Việt Nam

Chuyên gia nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo của 'gã khổng lồ công nghệ' Google đã phân tích những hạn chế của Việt Nam trong lĩnh vực này...
Chuyên gia Google nói về 'kìm hãm' trong phát triển AI tại Việt Nam ảnh 1Tiến sỹ Bùi Hải Hưng cho biết sẵn sàng làm việc trong môi trường của Việt Nam nếu có cơ hội tốt. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Theo tiến sỹ Bùi Hải Hưng (Tập đoàn Google), dù đã có những khởi đầu khá tốt về trí tuệ nhân tạo (AI), song Việt Nam vẫn còn hạn chế như nguồn nhân lực chưa được chú trọng đào tạo, chưa có nhóm hạt nhân…

Bên lề Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 diễn ra sáng hôm nay (21/8) tại Hà Nội, nhà nghiên cứu của Google Deepmind đã trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus.

- Thưa tiến sỹ Bùi Hải Hưng, xin ông cho biết một số thành tựu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo?

Tiến sỹ Bùi Hải Hưng: Trong vòng 10 năm trở lại đây, AI đã có những thành tựu rất nổi bật. Chúng ta có thể thấy rất rõ những ví dụ máy tính hiểu giọng nói của con người; máy tính có thể nhận dạng được đồ vật từ hình ảnh.

Và, những ứng dụng này bắt đầu lan tỏa ra nhiều mảng khác trong xã hội. Trên thế giới đã có những nghiên cứu AI trong lĩnh vực y tế, năng lượng… Tôi nghĩ, AI có thể tạo ra sự thay đổi toàn diện cho các ngành công nghiệp.

- Ông đánh giá thế nào về phát triển AI của Việt Nam?

Tiến sỹ Bùi Hải Hưng: Ở Việt Nam đã bắt đầu có những công ty, AI Lab (phòng thí nghiệm nghiên cứu về AI) được thành lập bởi những công ty như FPT, Zalo. Đây là những khởi đầu khá tốt.

Thế nhưng, tôi thấy đang có sự khập khiễng trong sự phát triển này. Thứ nhất là vấn đề đào tạo nhân tài cho AI chưa được chú trọng thích đáng. Thực tế, khi đào tạo cơ bản về AI cần đến những tài nguyên về điện toán đám mây mà có lẽ các trường đại học trong nước sẽ gặp khó khăn vì kinh phí tương đối lớn. Điều này có lẽ cần sự đầu tư hơn của khối nhà nước và doanh nghiệp.

Về việc thiếu hụt nhân lực thì trên thế giới cũng là vấn đề bức xúc. Nó dẫn đến sự kìm hãm phát triển bởi có nhiều việc để làm nhưng lại không đủ người tài. Đặc biệt, ở Việt Nam, khi chưa có hệ thống đào tạo về AI thì đây sẽ là vấn đề ngày càng trở nên nhức nhối.

Thứ hai, dù Việt Nam bắt đầu chú trọng vào nhiều ứng dụng AI nhưng chưa có một nhóm hạt nhân thực sự tiếp cận môi trường AI ở mức độ đỉnh cao trên thế giới. Dù mới là khởi đầu, nhưng tôi nghĩ, nếu có nhóm hạt nhân này thì có thể tạo ra hiện tượng lan tỏa ra những nhóm mang tính chất ứng dụng…

- Ông vừa nhắc tới nguồn nhân lực, thế Google nơi ông làm việc phát triển con người trong lĩnh vực này thế nào?

Tiến sỹ Bùi Hải Hưng: Google cũng như một số công ty công nghệ lớn có được nền tảng là tất cả các trường đại học lớn nhất trên thế giới là nguồn cung cung cấp tài năng cho họ. Thế nhưng, như tôi chia sẻ, nguồn cung này vẫn là chưa đủ.

Trí tuệ nhân tạo mà ngành mũi nhọn nhất chính là học sâu (deep learning) dựa trên nền tảng học máy (machine learning), xác xuất thống kê, khoa học dữ liệu… Những cái này ở Việt nam hoàn toàn có thể đào tạo được một cách bài bản ở mức độ đại học. Còn sau đại học sẽ khó khăn hơn…

- Là người con Việt làm việc xa quê, ông sẽ có đóng góp thế nào cho sự phát triển AI ở Việt Nam?

Tiến sỹ Bùi Hải Hưng: Dù ở nước ngoài đã lâu nhưng tôi vẫn thường xuyên về Việt Nam và dành tâm huyết cho việc phát triển công nghệ, đặc biệt là AI. Tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội giúp đỡ các công ty, cơ sở của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thậm chí nếu có cơ hội tốt thì tôi có thể sẽ trở về làm việc trong môi trường của Việt Nam.

- Xin ông nói cụ thể hơn về kế hoạch hỗ trợ của mình…?

Tiến sỹ Bùi Hải Hưng: Những người như tôi có một số năm kinh nghiệm, kiến thức và biết rằng thế giới họ quan tâm vấn đề nào, vấn đề nào có thể chú trọng, thực thi được. Đây là những thứ mà tôi có thể chia sẻ khi doanh nghiệp có câu hỏi liên quan tới việc định hướng phát triển trong lĩnh vực này AI, BigData…

Ở mức độ cao hơn, doanh nghiệp có thể đề xuất với những người như chúng tôi ở nước ngoài làm việc cho họ. Đã có trường hợp doanh nghiệp ở Việt Nam mở phòng Lab, thuê giáo sư ở nước ngoài về làm việc…

- Xin cảm ơn tiến sỹ!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục