Có hướng điều trị “nghi” kháng thuốc Tamiflu

Tiến sỹ Nguyễn Văn Kính đề xuất với những bệnh nhân sau 7 ngày điều trị vẫn dương tính, có thể kéo dài thêm thời gian điều trị cho tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm điều trị cúm A/H1N1/2009, tổ chức ngày 13/7, tại Hà Nội, một trong những vấn đề nổi bật được nhiều chuyên gia y tế nêu lên là hiện Việt Nam có 4 bệnh nhân sau 10 - 14 ngày điều trị vẫn dương tính với cúm A/H1N1; như vậy những bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1/2009 quá lâu liệu có phải đổi thuốc điều trị và thời gian điều trị sẽ kéo dài trong bao lâu?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đợt điều trị đầu tiên bằng thuốc Tamiflu cho bệnh nhân cúm A/H1N1 diễn ra trong 5 ngày. Nếu bệnh nhân đáp ứng chậm với thuốc, nghĩa là còn dương tính với virus cúm A/H1N1 sẽ lặp lại 1 đợt điều trị nữa. Nhưng tại Việt Nam, có lẽ các chuyên gia y tế quá “cảnh giác” với virus cúm A/H1N1 nên trong phác đồ điều trị chuẩn, thời gian “mốc” điều trị đầu tiên được “kéo dài” thành 7 ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia lại “quên” chưa hướng dẫn cụ thể việc điều trị đối với những trường hợp dương tính sau 7 ngày điều trị.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Tịnh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, tại bệnh viện đã có 2 ca sau 14 ngày điều trị, vẫn dương tính với cúm A/H1N1. Bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn các bệnh viện tuyến dưới về việc điều trị cho bệnh nhân khi sau 7 ngày mà vẫn cho kết quả xét nghiệm dương tính.

Giải pháp được Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn là làm lại xét nghiệm, lưu ý thể trọng bệnh nhân để tăng liều thuốc tương ứng. Bên cạnh đó, xem xét việc thay thế thuốc Tamiflu (Oseltamivir) bằng thuốc Relenza (Zanamivir).

Tuy nhiên Tiến sỹ Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, lại cho rằng: “Việc xem xét đổi thuốc điều trị từ Tamiflu (Oseltamivir) sang Relenza (Zanamivir) cần cẩn trọng. Trước khi đưa vào điều trị cần hướng dẫn cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng. Bởi lẽ, cách thức sử dụng Relenza (Zanamivir) phức tạp hơn rất nhiều, bệnh nhân từ 5 tuổi trở lên mới có thể sử dụng được loại thuốc này”.

Theo Tiến sỹ  Kính, không nên quá lo ngại về các trường hợp tồn lưu virus lâu ngày hơn bình thường. Tại Mỹ đã có trường hợp sau 20 ngày điều trị vẫn dương tính với cúm A/H1N1. Tuy nhiên, sau khi kéo dài liều điều trị, trường hợp này vẫn khỏi bệnh. Đối với 2 bệnh nhân sau 10 - 11 ngày điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia vẫn dương tính với cúm A/H1N1, Tiến sỹ  Kính cho rằng có thể là do yếu tố miễn dịch đào thải virus của chính họ.

Sau khi mắc bệnh, cả hai bệnh nhân này đều lây truyền cho người thân nhưng những người thân của họ đều khỏi bệnh sau gần 7 ngày điều trị. “Tại Việt Nam, hiện 99% bệnh nhân vẫn đáp ứng tốt với thuốc Tamiflu. Các bệnh nhân nên được làm xét nghiệm trong các ngày thứ 1, 5 và thứ 7. Đối với những bệnh nhân sau 7 ngày điều trị vẫn dương tính, có thể kéo dài thêm thời gian điều trị cho tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Tất nhiên trường hợp âm tính từ ngày thứ 5, sẽ được xuất viện ngay”, Tiến sỹ  Kính đề xuất.

Trao đổi với báo chí, Tiến sỹ Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết tới đây Hội đồng chuyên môn sẽ họp và thông báo tới các bệnh viện về việc thay đổi một số vấn đề liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1. Việc xét nghiệm dự kiến sẽ thực hiện giống như phác đồ điều trị của WHO, nghĩa là bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm ngày đầu tiên. Sau 5 ngày điều trị, sẽ làm xét nghiệm lần 2, nếu có kết quả âm tính bệnh nhân sẽ được ra viện. Trường hợp dương tính, sẽ được điều trị tiếp 1 đợt nữa 5 ngày.

Đặc biệt, tới đây Bộ Y tế sẽ phân phát thuốc Relenza (Zanamivir) cho một số cơ sở điều trị tuyến cuối như Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia. Sau một thời gian “thí điểm”, sẽ tiến hành đánh giá về hiệu quả sử dụng thuốc, nhằm sẵn sàng “đối phó” với tình trạng kháng thuốc nếu xuất hiện ở Việt Nam, ông Kính cho biết.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ  Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết WHO mới quyết định thay đổi tên đại dịch cúm A/H1N1 thành đại dịch cúm H1N1/09, nhằm thể hiện đúng bản chất của virus cúm mới, tránh sự hiểu nhầm dẫn đến sự kỳ thị, kỳ thị đất nước, kỳ thị con người...

Thời gian vừa qua, nhờ “cầm cự” khá tốt nên Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn 2a là dịch tập trung ở các ca bệnh đi từ vùng có dịch về; tuy nhiên, rất khó dự đoán lúc nào dịch chuyển sang giai đoạn 2b là lây truyền trong cộng đồng.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục