Conference Board lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới năm 2018

Theo Conference Board, sau khi tăng trưởng cao hơn dự đoán trong năm 2017, nền kinh tế thế giới có khả năng sẽ duy trì được đà hiện nay và đạt mức tăng 3% trong cả năm 2018.
Conference Board lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới năm 2018 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: theglobeandmail.com)

Theo Bản Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất của tổ chức nghiên cứu Conference Board có trụ sở tại New York, sau khi tăng trưởng cao hơn dự đoán trong năm 2017, nền kinh tế thế giới có khả năng sẽ duy trì được đà hiện nay và đạt mức tăng 3% trong cả năm 2018.

Tại cuộc họp báo công bố Bản Triển vọng Kinh tế toàn cầu 2018, nhà kinh tế trưởng của Conference Board, ông Bart van Ark, cho biết cuối cùng thì tăng trưởng toàn cầu đã thực sự phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính.

Nền kinh tế toàn cầu được dự đoán tăng trưởng 3% trong năm nay, cao hơn mức dự đoán 2,8% mà Conference Board đưa ra đúng một năm trước, và tốc độ 3% này có thể được duy trì cho đến hết năm 2018.

Tuy nhiên, ông van Ark thận trọng lưu ý rằng mặc dù xu hướng tăng trưởng của các thị trường phát triển là vững chắc trong tương lai gần, song khả năng đẩy nhanh được mức tăng trưởng còn bị hạn chế và tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại vào cuối thập niên này. Trong khi đó, những thị trường mới nổi chủ chốt, nhất là Trung Quốc, đang trở nên chín muồi, do đó khó có thể khôi phục được những xu hướng tăng trưởng như trước đây.

['Thị trường tài chính quốc tế đang đối mặt với nguy cơ bất ổn lớn']

Thông tin tốt lành là vai trò ngày càng lớn của các nhân tố tăng trưởng về chất - gồm kỹ năng của lực lượng lao động được cải thiện, tiến trình số hóa, và đặc biệt là mức tăng trưởng năng suất cao hơn - có thể đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững và tạo điều kiện tốt hơn cho các công ty phát triển trong thập niên tới.

Cụ thể, Conference Board dự báo các nền kinh tế phát triển sẽ đạt tăng trưởng 2,2% trong năm 2017 và 2,1% trong năm 2018 - cải thiện đáng kể so với mức trung bình 1,8% trong 5 năm qua (2012-2017). Trong khi đó, các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục mạnh lên, dự kiến đạt 3,7% trong năm 2017 và 3,8% trong năm 2018, song có sự chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia.

Trung Quốc tăng trưởng cao hơn dự đoán trong năm 2017, nhờ xuất khẩu phục hồi và chính phủ tích cực hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XIX. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2018. Trong khi đó, sau khi đạt mức tăng trưởng yếu hơn dự đoán trong năm nay do gặp phải nhiều khó khăn trong việc thực thi các sáng kiến chính sách như ban hành thuế dịch vụ và hàng hóa trên toàn quốc hay hủy bỏ những tờ tiền mệnh giá lớn, Ấn Độ sẽ cải thiện được tốc độ tăng trưởng trong năm 2018, chủ yếu nhờ tiêu dùng.

Conference Board cũng cảnh báo một số nhân tố có thể rút ngắn thời gian nền kinh tế thế giới duy trì được đà tăng trưởng hiện nay. Trước hết, sự tăng trưởng khởi sắc trong năm 2017 phần nào là nhờ một loạt sự kiện đặc biệt như việc bình ổn giá năng lượng và hàng hóa, lòng tin kinh doanh được cải thiện dựa trên hy vọng vào các cuộc cải cách thuế và kích thích tài chính của chính quyền mới ở Mỹ, sự phục hồi mang tính chu kỳ ở châu Âu, và chính sách kích thích tăng trưởng của Trung Quốc.

Những sự kiện này không thể tạo ra sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Mặt khác, sự phục hồi thiếu thuyết phục của hoạt động đầu tư có thể hạn chế tốc độ mà công nghệ được "chuyển hóa" thành sự tăng trưởng năng suất. Ở một số quốc gia vẫn tiềm ẩn nguy cơ tốc độ tăng trưởng tiêu dùng chậm lại do mức tăng lương vẫn chậm.

Bên cạnh đó, những nguy cơ về chính sách và địa chính trị cũng có thể cản trở xu hướng tăng trưởng trong năm 2018. Một vài trong số đó liên quan đến chính sách đối nội, nhất là ở Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc. Một số nguy cơ khác mang tính chất địa chính trị và địa kinh tế, như hậu quả của những cuộc đàm phán kéo dài về Brexit và những mối đe dọa khác đối với sự ổn định của châu Âu, làn sóng chủ nghĩa bảo hộ lên cao hay thậm chí là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và sự xuất hiện nhiều nguy cơ nổ ra xung đột chính trị hoặc thậm chí là quân sự tại nhiều nơi trên thế giới.

Trong khi đó, những xu hướng kinh tế dài hạn và những thay đổi về cơ cấu đặt ra những nguy cơ thậm chí còn lớn hơn đối với nền kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động chậm lại do dân số già nua, những khó khăn trong việc biến công nghệ thành năng suất, và sự phân chia không đồng đều những lợi ích của sự thay đổi công nghệ - tất cả đều cản trở nền kinh tế phát huy hết tiềm năng. Những cơ chế thuế công ty và các quy định kinh doanh không thuận lợi cũng là những nhân tố mang tính cơ cấu cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh.

Conference Board đã nêu một số nhân tố có thể giúp củng cố sự tăng trưởng có chất lượng và bền vững trong thập niên tới, bao gồm: Tình trạng khan hiếm lao động có thể kích thích việc tăng đầu tư vào những khu vực cần người tài, từ đó tạo ra sự tăng trưởng năng suất lao động, nhất là ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu; Tăng trưởng đầu tư có thể được duy trì thông qua việc cải thiện "chất lượng" đồng vốn, dựa trên đầu tư nhiều hơn vào máy móc và thiết bị, đặc biệt là các tài sản và dịch vụ kỹ thuật số; Tác động của đầu tư công nghệ số vào tăng trưởng năng suất sẽ trở nên rõ rệt hơn theo thời gian; Yếu tố kỹ năng của lực lượng lao động sẽ đóng vai trò tích cực trong việc tạo ra sự tăng trưởng về chất. Các thị trường mới nổi sẽ có thêm nhiều cơ hội đưa những nhân công có trình độ và lành nghề tham gia lực lượng lao động nhờ một loạt lao động trình độ thấp hơn đến tuổi về hưu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục